Lao động còn thiếu và yếu
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội thông tin, nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam trước đại dịch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Sau đại dịch, phần lớn người lao động chuyển việc. Trong khi, doanh nghiệp hoạt động trở lại còn nhiều khó khăn nên khó có khả năng thu hút lao động trình độ cao do chế độ chưa thực sự phù hợp.
Cùng với đó, lực lượng lao động mới bổ sung từ sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học cũng giảm sút trong thời gian tới. Đây là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp du lịch khi mở cửa trở lại.
Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Vì vậy, xu hướng hay nhu cầu du lịch thay đổi một cách nhanh chóng cần sự thích ứng nhanh và linh hoạt của ngành du lịch. Đặc biệt là lao động trong lĩnh vực này. Do đó, đào tạo lao động cũng cần có sự thay đổi phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
TS Trịnh Thị Thu Hà cho rằng, lao động ngành du lịch cần nắm được các yếu tố, xu hướng của nghề trong giai đoạn phục hồi. Trong đó, yếu tố an toàn dịch bệnh và thông tin về quy trình bảo đảm an ninh, an toàn điểm đến và bảo đảm cho khách du lịch là mối quan tâm hàng đầu của du khách.
Thậm chí, thói quen sử dụng dịch vụ du lịch của du khách cũng thay đổi. Nhất là nhu cầu về các sản phẩm du lịch có sự thay đổi. Bởi đại dịch đã thúc đẩy sự quan tâm của du khách tới những trải nghiệm du lịch độc đáo và chân thực. Điều này đòi hỏi sự bền vững đối với các sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, xu thế lựa chọn các điểm đến mới, có các hoạt động gần gũi với thiên nhiên, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, tránh tiếp xúc đông người đang được ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, mỗi địa phương, doanh nghiệp cần dựa vào tài nguyên để xây dựng những sản phẩm du lịch chuyên biệt.
Trước xu hướng mới của ngành du lịch, yêu cầu đối với công tác đào tạo nghề cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số. Bên cạnh đó là thái độ, đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành này.
Hơn nữa, cần xây dựng nội dung về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch trong bối cảnh mới. Chú trọng nghiệp vụ phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn cho du khách, cập nhật các kiến thức mới về du lịch.
Đồng thời, lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Thực hiện ứng xử văn minh du lịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
“Các cơ sở đào tạo cũng cần chú trọng về kỹ năng số cho sinh viên, lao động và người dân làm du lịch. Từ đó, họ có thể khai thác các nền tảng công nghệ phục vụ du lịch. Qua đó, tăng cơ hội tiếp cận và kỹ năng xây dựng giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như quảng bá hình ảnh và điểm đến du lịch”, TS Hà nhấn mạnh.