Đã đến lúc cần thay đổi tư duy, coi đầu tư cho vũ trụ không phải là "xa xỉ" mà là chiến lược cần thiết, mở ra động lực phát triển mới, bắt kịp xu thế thời đại và khẳng định chủ quyền không gian.
Các chuyên gia đã đưa ra ý kiến nêu trên tại tọa đàm “Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 24/7.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận như phát triển các vệ tinh MicroDragon, NanoDragon, VNREDSat-1 và xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc. Tuy nhiên, các thành tựu này vẫn rời rạc, thiếu sức bật nếu không có chiến lược dài hạn và cơ chế đầu tư mạnh mẽ, thống nhất.
Ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình KH&CN quốc gia về công nghệ vũ trụ qua 4 giai đoạn từ năm 2008 đến nay; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển giao các công nghệ, sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ vũ trụ có tính lưỡng dụng giữa dân sự và quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh liên kết quốc tế với các đối tác lớn như NASA (Mỹ), JAXA (Nhật Bản), CNES (Pháp)...
Đặc biệt, các văn bản chiến lược quan trọng tạo cơ sở phát triển công nghệ vũ trụ như Nghị quyết 57-NQ/TW, Quyết định 169/QĐ-TTg, hay gần đây nhất là Quyết định 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ chiến lược và Sản phẩm công nghệ chiến lược, trong đó công nghệ hàng không, vũ trụ nằm trong nhóm 11 công nghệ chiến lược được ưu tiên đầu tư phát triển.
Theo ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), công nghệ vũ trụ đã thẩm thấu vào nhiều khía cạnh của đời sống. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm của ngành công nghệ vũ trụ là rất lớn, bao gồm các lĩnh vực viễn thông, viễn thám và định vị dẫn đường.
Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ của Việt Nam còn yếu, lại chưa có kế hoạch và lộ trình phát triển hạ tầng công nghệ bài bản, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan... Ngoài ra, chúng ta còn gặp thách thức khi tận dụng kho dữ liệu khổng lồ trong khi việc thu hút nhân tài ngành khoa học công nghệ để vận hành hệ thống có kiến thức đa ngành, nhất là về viễn thám.
Ông Trần Tuấn Ngọc đề xuất cần đầu tư hạ tầng công nghệ bài bản, chính sách thu hút và giữ chân nhân tài để ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và lâu dài hơn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sao Vega cho rằng công nghệ vũ trụ đang gặp nhiều thách thức từ nhận thức xã hội đến thiếu cơ chế khuyến khích đơn vị sử dụng.
Để thúc đẩy ngành công nghệ và dữ liệu vũ trụ, bà Hương đề xuất cần đưa công nghệ và dữ liệu Địa không gian vào chương trình chuyển đổi số quốc gia, bởi chính là lớp nền quan trọng cho toàn bộ hệ thống số vận hành hiệu quả.
Ngoài ra cần có cơ chế “miễn trừ trách nhiệm” cho việc sử dụng công nghệ mới, do tính minh bạch và đặc thù kỹ thuật khiến dữ liệu cũ và mới có thể khác biệt, ví dụ như ranh giới đất đai, công trình xây dựng...
Đồng thời, cần phổ cập kiến thức vũ trụ tới người dân, nhất là thông qua chương trình giáo dục ở trường học và truyền thông đại chúng.
"Nhà nước nên ưu tiên đặt hàng các doanh nghiệp trong nước, kể cả tư nhân nghiên cứu - phát triển ứng dụng cũng như phát triển vệ tinh", bà Lê Thanh Hương nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng, để giải bài toán chia cắt giữa các bộ, ngành hiện nay, Việt Nam cần xây dựng một cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia. Ví dụ ở các quốc gia như Philippines, nơi có một cơ quan vũ trụ quốc gia trực thuộc Chính phủ để điều hành tập trung, có luật vũ trụ.
Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, kinh tế vũ trụ toàn cầu dự báo có thể đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030. Nếu không tận dụng cơ hội này, Việt Nam sẽ tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ và chủ quyền không gian.
"Đã đến lúc chúng ta cần xác định vũ trụ không chỉ là công nghệ chiến lược mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng. Việc xây dựng một chiến lược quốc gia về kinh tế vũ trụ sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới, từ ứng dụng vệ tinh, viễn thông, đến các dịch vụ liên quan", PGS.TS Phạm Anh Tuấn nói.
Đồng thời, không gian vũ trụ cần được xác định là một trong 5 không gian chiến lược của quốc gia, cùng với đất liền, biển, trên không và không gian mạng.
Còn theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN đề xuất đề Việt Nam xác định phạm vi đầu tư cho hợp lý, tránh lãng phí, trong đó cần ưu tiên quan tâm nghiên cứu phát triển hệ thống vệ tinh tầm thấp, vệ tinh nhỏ, hệ thống vệ tinh viễn thông – viễn thám và các hệ thống điều hành mặt đất, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Quân nhấn mạnh việc thí điểm “cơ chế sandbox” cho các dự án công nghệ lớn theo tinh thần Nghị quyết 193 của Quốc hội cho phép tổng công trình sư được trao quyền tự chủ cao, chấp nhận rủi ro và miễn trừ trách nhiệm trong nghiên cứu triển khai.
Theo TS. Nguyễn Lương Quang, chuyên gia đến từ Viện năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế - CEA Paris-Saclay của Pháp, Việt Nam cần những mô hình thí điểm có cơ chế linh hoạt, trả lương cạnh tranh, giao quyền chủ động cho nhóm nghiên cứu. Những mô hình như nhóm vật lý thiên văn ở Quy Nhơn, dù chỉ với vài tỷ đồng tài trợ, đã thu hút được hơn 200 nhà khoa học quốc tế tham gia.
TS. Nguyễn Trọng Hiền, chuyên gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cũng ủng hộ mô hình thí điểm đổi mới trong quản lý và tuyển dụng để thu hút người tài, tạo môi trường phát triển cho chuyên gia khoa học vũ trụ.