Giáo dục

Đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử vào trường học

03/07/2024 06:40

Nhiều trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) vào học đường.

Lan tỏa nghệ thuật truyền thống

Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Chính vì thế nhiều trường học đã đưa ĐCTT vào các hoạt động câu lạc bộ (CLB) để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp này.

Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá, Kiên Giang) là một trong những ngôi trường đang nỗ lực vun bồi, truyền niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT cho học sinh. Trong buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Nguyễn Trung Trực có phần văn nghệ đầu giờ của CLB ĐCTT học đường tham gia trình diễn. Các tiết mục tài tử đã mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc, lan tỏa niềm đam mê của học sinh với bộ môn nghệ thuật đặc biệt.

Thầy Trần Văn Kỹ - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A1, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, chủ nhiệm CLB ĐCTT học đường cho biết: Được sự ủng hộ từ Ban giám hiệu nhà trường, CLB ĐCTT học đường được thành lập từ năm 2023. Đến nay, CLB có 12 thành viên, gồm giáo viên và học sinh. Các em rất say mê và tích cực tham gia vào phong trào nhà trường cũng như các hoạt động giao lưu.

Gắn kết với nhà trường trong việc hỗ trợ CLB, tài tử Nguyễn Trường Đấu - chủ nhiệm CLB ĐCTT TP Rạch Giá cho biết: Nhận thấy niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT của thầy và trò, ban chủ nhiệm CLB ĐCTT TP Rạch Giá đến hỗ trợ cung cấp thông tin về bộ môn nghệ thuật này và tập ca cho học sinh từ những bài bản ngắn. Những buổi sinh hoạt gặp khó do không có thầy đàn, CLB cũng cử thầy đàn đến hỗ trợ cho các thành viên tham gia sinh hoạt. Dù mới được thành lập nhưng các hoạt động của CLB Trường THPT Nguyễn Trung Trực đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ Ban giám hiệu cùng học sinh.

Hiện Kiên Giang có trên 100 CLB, đội và nhóm ĐCTT, với trên 1.500 người tham gia sinh hoạt tại các địa bàn của 15 huyện, thành phố. Chất lượng sinh hoạt của các CLB, nhóm từng bước nâng cao và phát triển mạnh mẽ ở địa phương và trường học.

dua nghe thuat don ca tai tu vao truong hoc (3).jpg
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang) nghe ĐCTT tại Bảo tàng tỉnh Kiên Giang.

“Đánh thức” nghệ thuật tài tử

Mới đây, Trường THPT Nguyễn Sinh Sắc (An Giang) đã tổ chức lễ ra mắt CLB ĐCTT. CLB của trường với 31 thành viên là những giáo viên, học sinh có niềm đam mê với nghệ thuật ĐCTT; được sự hướng dẫn trực tiếp từ Nghệ nhân Nhân dân Trần Văn Suôl và Nghệ nhân Ưu tú Khánh Văn, trợ giảng là thầy Nguyễn Quang Huy - chủ nhiệm CLB. Theo đó, CLB sẽ tổ chức sinh hoạt định kỳ vào ngày thứ 7 hàng tuần. Các buổi khác, thành viên tự luyện tại phòng truyền thống trên cơ sở những kiến thức mà giảng viên đã truyền dạy.

Thầy Trần Diễm Phúc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Sinh Sắc cho biết: Đây là hoạt động cần thiết để bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc. CLB cũng là sân chơi bổ ích cho học sinh sau những giờ học căng thẳng; góp phần hình thành phẩm chất và năng lực theo Chương trình GDPT 2018. Sự kiện này sẽ góp phần “đánh thức” thế hệ trẻ không bỏ quên những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Tuy nhiên, để ĐCTT đến được giới trẻ phải bắt đầu từ nhà trường.

Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn năm 2024. Theo đó, Bạc Liêu đưa nghệ thuật ĐCTT giảng dạy trong môn Âm nhạc và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm hướng nghiệp) tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài ra, Bạc Liêu tổ chức mở lớp hướng dẫn, truyền dạy 20 bản tổ ĐCTT cho cán bộ phụ trách công tác văn hóa - xã hội, giáo viên THPT, THCS, tiểu học và hội viên các CLB ĐCTT tại huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, tỉnh duy trì tổ chức sinh hoạt, giao lưu thường xuyên tại các CLB, các thiết chế văn hóa trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Với đề án, Bạc Liêu mong muốn nâng cao tinh thần, trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ; từng bước nâng cao chất lượng và phát triển phong trào ở các địa phương.

Việc đưa ĐCTT vào học đường để giáo dục nghệ thuật cho học sinh phải được làm từ lâu. Để bảo tồn và phát huy thì yếu tố quyết định là giới trẻ; giới trẻ thích thì mới bảo tồn được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức đưa ĐCTT vào học đường như thế nào. Vì những bài, bản hay chương trình phải gắn liền với sự hiểu biết, sở thích, thị hiếu của học sinh; không nên lấy thị hiếu của người lớn rồi áp đặt. Do đó, cần có tác phẩm mới mang tính chất học đường, thiếu nhi để các em dễ tiếp thu. Vấn đề đưa ĐCTT vào trường học phải sáng tạo, chăm chút, như vậy mới đảm bảo hiệu quả và thu được “quả ngọt”. - Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử vào trường học