Đua thời gian cung ứng sách giáo khoa đến vùng khó

10/08/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần 1 tháng nữa năm học 2023 - 2024 bắt đầu. Việc cung ứng sách giáo khoa ở Nghệ An cơ bản đảm bảo được nhu cầu và kịp thời trước ngày tựu trường.

Kịp thời, đủ sách

Năm nay là năm thứ 4 ngành Giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018, và theo lộ trình đã áp dụng đến lớp 4, 8 và 11. Tại Trường Tiểu học Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ), hầu hết học sinh đều đăng ký mua sách giáo khoa qua nhà trường.

Cô Thìn chia sẻ thêm, những năm trước, nhiều phụ huynh chủ động mua ở các đại lý sách bên ngoài, tuy nhiên quá trình sử dụng phát hiện nhiều sách in lậu, chất lượng in và một số nội dung bài học in lỗi. Vậy nên gần đây phụ huynh đăng ký danh sách với giáo viên chủ nhiệm, sau đó chuyển cho nhà trường để đăng ký với đơn vị cung ứng sách giáo khoa.

Cô Nguyễn Thị Bích Thìn – Hiệu trưởng cho hay: “Với khối 5, cơ bản học sinh, phụ huynh tự tìm mua sách ngoài thị trường vì học chương trình hiện hành. Các khối còn lại phụ huynh đều đặt qua nhà trường mua hộ. Đến nay, sách khối 1, 2, 3 đã đầy đủ. Riêng sách khối 4 chúng tôi đang chờ và dự kiến muộn nhất giữa tháng 8 sẽ về đầy đủ để cung cấp cho học sinh”.

Ông Trần Xuân Toàn – Giám đốc công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Nghệ An thông tin: Hiện nay, sách của các lớp 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10 cơ bản đã đáp ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa. Còn sách lớp 4, 8 và 11 hiện các nhà xuất bản đã có đủ đầu sách nhưng việc in và phát hành còn chậm. Trước mắt công ty mới cung ứng được khoảng 70% và dự kiến đến ngày 15/8 sẽ cung ứng đủ sách cho thị trường ở Nghệ An.

Theo tổng hợp của công ty, đầu tháng 8 đã phát hành hơn 6,2 triệu bản sách, trong đó hơn 2,9 triệu bản sách giáo khoa, hơn 1,5 triệu bản sách bài tập và hơn 1,7 triệu sách tham khảo. Việc cung ứng sách ngoài kênh bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại các cửa hàng sách ở thành phố Vinh, huyện Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn… thì chiếm hơn 50% cung ứng qua các nhà trường. Với sách giáo khoa, học sinh và phụ huynh khi mua đều được chiết khấu giảm 10% so với giá in trên bìa.

Đại diện công ty cũng chia sẻ thêm, những năm trước công ty này cung ứng khoảng 60% thị trường sách giáo khoa cho tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay con số này khoảng 40%. Một phần do tỷ lệ sử dụng sách giáo khoa cũ trên địa bàn khá tốt (chiếm khoảng 30%). Còn lại là các đại lý khác cũng tham gia cung ứng sách giáo khoa.

Đua thời gian cung ứng sách giáo khoa đến vùng khó ảnh 1
Tiểu học Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ) tiếp nhận sách cũ do học sinh trao tặng cho các bạn vùng cao khó khăn.

Hỗ trợ vùng cao, dân tộc thiểu số

Năm thứ 4 thực hiện Chương trình GDPT 2018, vì vậy việc chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới cũng đa dạng với nhiều hình thức. Với học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 là khóa cuối cùng học chương trình hiện hành nên sách giáo khoa cả cũ lẫn mới khá dồi dào.

Còn học sinh các lớp 1, 2, 3 (tiểu học) 6, 7 (THCS) và lớp 10 THPT sử dụng sách đại trà theo Chương trình GDPT 2018 đã triển khai. Riêng các lớp còn lại gồm 4, 8 và 11 là những khóa đầu tiên học chương trình mới nên việc cung ứng sách chậm hơn và phải chờ đợi nhà các cung ứng phát hành.

Hiệu trưởng nhiều trường vùng cao Nghệ An cùng chia sẻ, nhiều năm nay, để đảm bảo sách giáo khoa kịp đến tay học sinh trước năm học mới, nhà trường chủ động đặt sách và cho phụ huynh nợ.

Tuy nhiên đến tận cuối năm học, nhiều phụ huynh chỉ trả được một phần tiền sách, hoặc nợ hoàn toàn. Điều này khiến cho số tiền nợ sách giáo khoa tồn đọng và cộng dồn qua từng năm. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường chỉ đặt mua số lượng ít, hoặc sách đối với các khối đầu tiên học Chương trình sách giáo khoa mới. Còn lại sẽ huy động, quyên góp sách cũ cho học trò.

Để tiếp sức cho học sinh khó khăn, nhiều tổ chức đơn vị đã đứng ra quyên góp, hỗ trợ sách cho học sinh vùng khó. Tại phường Hưng Dũng (TP Vinh) từ giữa tháng 7, hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hội phụ nữ phường đã đứng ra quyên góp tiền và sách cũ cho học sinh vùng cao. Sau nửa tháng phát động, chương trình đã tiếp nhận hơn 100 đầu sách với khoảng 3.000 cuốn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. Tất cả được sắp xếp và đóng thùng chuyển đến nơi cần.

Cô Nguyễn Thị Bích Thìn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ) chia sẻ, nhiều năm nay, nhà trường đều kêu gọi, nhắc nhở học sinh trong quá trình học tập cần bảo quản, giữ gìn sách giáo khoa. Kết thúc năm học nếu gia đình không sử dụng có thể nộp lại cho nhà trường để tặng cho các bạn vùng khó khăn.

Ngoài sự ủng hộ các nhà hảo tâm, đơn vị, trường học… thì các nhà xuất bản thông qua Sở GD&ĐT Nghệ An tặng gần 3 nghìn bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện.

“Trong ngày đầu tiên giáo viên trả phép (7/8, PV), có nhiều học sinh, phụ huynh đã đem sách cũ đến gửi. Nhà trường giao cho cán bộ thư viện tiếp nhận, kiểm tra, sắp xếp. Dự kiến chúng tôi sẽ chuyển sách giáo khoa cũ của học sinh đến Trường Tiểu học Tri Lễ 2, huyện Quế Phong. Đây là ngôi trường vùng biên giới với học sinh hầu hết con em dân tộc Thái, Mông...”, cô Nguyễn Thị Bích Thìn chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đua thời gian cung ứng sách giáo khoa đến vùng khó