Tuy nhiên, việc đưa trẻ đến trường ở vùng sông nước Sundarbans vấp phải muôn vàn khó khăn. Nữ giáo viên muốn đi đến từng nhà, thuyết phục người lớn cho con đến trường, song địa hình nơi đây vốn không dễ di chuyển, đặc biệt khi cô chỉ có một mình.
Hiện thực hóa giấc mơ xóa mù chữ
Sau một thời gian làm việc đơn độc, Satarupa tình cờ gặp AamirHussain, giáo viên trung học tại Basirhat, thị trấn nằm cách Hingalganj 30 km. Nghe danh “cô giáo dạy trẻ em nghèo Hingalganj” đã lâu, Aamir được truyền cảm hứng từ sự nỗ lực và cống hiến của Satarupa.
Anh đã cùng cô đến từng nhà nói chuyện với người dân và thuyết phục họ cho con đi học. Sau này, khi Satarupa thuê thêm giáo viên cho trường mới, vợ của Aamir cũng đăng ký tham gia.
Không may, Aamir qua đời vào năm 2016 do đau tim. Sự ra đi của người bạn đồng hành là cú sốc lớn đối với Satarupa nhưng cô vẫn tiếp tục cống hiến vì những nỗ lực của cả hai bắt đầu bén rễ.
Phụ huynh ở Hingalganj dần cho con đến lớp đông hơn. Ban đầu, trường chỉ có trẻ mẫu giáo do cha mẹ bận đi làm, không có thời gian chăm con nên gửi vào trường. Nhưng dần dần, có thêm học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Học sinh tăng nhanh chóng khiến trường lâm phải tình trạng thiếu cơ sở vật chất và giáo viên.
Đến lúc này, Satarupa nhận ra cô cần phải thành lập một trường trung học thực thụ. Sau khi vận động quyên góp từ bạn bè, các nhà hảo tâm, Satarupa xây dựng ngôi trường nhỏ mang tên Hiệp hội Phúc lợi Swapnopuron (SWS). Trường dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 8, dạy tập trung tiếng Anh và một số môn văn hóa theo chương trình phổ thông Ấn Độ.
Năm 2021, ngôi trường mở thêm khối lớp 9. Số lượng học sinh nhà trường không ngừng tăng lên theo thời gian. Đến nay, trường có khoảng hơn 600 học sinh với 12 giáo viên.
Satarupa đã thuê giáo viên trong thị trấn và những khu vực lân cận. Chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm cũng tham gia hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho trường học.
Để nâng cao chất lượng đào tạo,Satarupa thường thuê các diễn giả, chuyên gia giáo dục đến trò chuyện với học sinh. Ngoài các môn văn hóa, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như làm thủ công, kể chuyện, giao lưu văn hóa…
Khi đại dịch bùng phát, trường phải tạm đóng cửa nhưng Satarupa đã tìm ra giải pháp để đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn. Cô chia học sinh thành hai nhóm là có và không có điện thoại thông minh. Những học sinh có điện thoại thông minh học trực tuyến còn những em không có được phát điện thoại, tài liệu học tập.
Đôi mắt ánh lên niềm vui khi nhắc đến SWS, Moumita, học sinh lớp 2, bày tỏ: “Ở trường, cháu được học tiếng Anh, Toán, Nghiên cứu Môi trường, Nghiên cứu Xã hội… Cháu thực sự rất yêu ngôi trường của mình vì đó là ngôi trường tuyệt vời nhất”.