Theo một số nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), đây là lần đầu tiên Đức phản đối việc thông qua gói trừng phạt của khối nhắm vào Nga.
Một số nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) nói với hãng tin Reuters hôm 14-6 rằng khối này không thể thông qua gói trừng phạt thứ 14 nhắm vào Nga do vấp phải sự phản đối của Đức.
Trong hơn một tháng qua các quan chức từ 27 nước thành viên EU đã thảo luận về gói trừng phạt thứ 14 của khối nhắm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moscow và kế hoạch buộc các công ty EU phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của các công ty con và đối tác ở nước thứ ba.
Gói trừng phạt mới cũng gồm các biện pháp nhằm hạn chế đội tàu “bóng tối” vận chuyển dầu của Moscow.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: REUTERS
Theo các ngoại giao trên, các đại sứ EU dự kiến sẽ thảo luận và quyết định về vấn đề này vào tối 14-6 nhưng chủ đề trừng phạt đã được rút khỏi chương trình nghị sự vào phút chót.
Hungary trước đây thường phản đối các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga nhưng lần này dường như ủng hộ gói trừng phạt thứ 14 này.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU cho biết Đức bày tỏ sự dè dặt về tác động của gói trừng phạt này đối với các công ty con và đối tác của nước thứ ba mà các công ty Đức cùng làm ăn.
“Ngày trước, chúng ta luôn đổ lỗi cho Hungary còn bây giờ là Đức” - một nhà ngoại giao nói với tờ Politico.
Theo Politico, Đức lo lắng về việc mở rộng biện pháp trừng phạt trên buộc các công ty EU phải đảm bảo khách hàng của họ không thể bán hàng hóa bị trừng phạt sang Moscow.
Trước đây, những hàng hoá bị cấm giao dịch với các công ty Nga chỉ áp dụng đối với súng, vật phẩm chiến trường và hàng hóa lưỡng dụng, nhưng giờ đây Berlin quan ngại các doanh nghiệp nhỏ của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu điều này được mở rộng sang các sản phẩm dân sự như hóa chất hoặc máy móc gia công kim loại.
Theo một trong những nhà ngoại giao, Ủy ban châu Âu đang đàm phán với Đức để thuyết phục Berlin ủng hộ gói trừng phạt thứ 14.
Đức chưa lên tiếng về thông tin trên.