Bà Wood chia sẻ: “Hy vọng rằng, mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân sẽ thực hành Plogging hàng ngày như một cách để thể hiện sự trách nhiệm và quan tâm của chúng ta tới môi trường”.
Ông Mai Trọng Thắng, Bí thư quận đoàn 7, nhấn mạnh: “Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn thành phố, gắn vấn đề bảo vệ môi trường, phân loại rác với ý thức rèn luyện thể dục thể thao. Hoạt động này không chỉ góp phần tuyên truyền ý thức cho người dân, đặc biệt là người trẻ, về sống xanh, sống sạch, bảo vệ môi trường trên địa bàn quận 7 mà còn có thể trở thành một trào lưu mới được lan tỏa rộng rãi hơn nữa ở TP. Hồ Chí Minh cũng như toàn quốc”.
Tham gia sự kiện “Plogging 2023 - Cuộc đua đi bộ nhặt rác”, các đội đã nhặt rác trên cung đường đua trong vòng 1,5 giờ. Rác thải nhựa được phân thành hai loại: nhựa sạch (không dính bẩn, chứa nước, đồ ăn thừa) và nhựa còn lại. Kết quả tính dựa trên tổng khối lượng của lượng nhựa nhặt được và tỉ lệ phân loại đúng giữa rác nhựa sạch và rác nhựa bẩn. Tổng số rác thải nhựa thu lại được là 364,6kg, trong đó có 10kg nhựa sạch.
Đối với nhóm rác nhựa sạch, BTC chuyển cho đơn vị tái chế rác thải nhựa thành loại vật liệu hữu ích dùng làm bàn, ghế, thùng rác, mái che và thậm chí là xây nhà.
Trong khi đó, trước đây, khi chỉ gom chung một loại, toàn bộ rác sẽ được đưa đến các bãi chôn lấp, mất ít nhất 450 năm và có thể đến cả nghìn năm để các loại bao bì, ly nhựa, hộp xốp dùng một lần phân hủy được.
Sự kiện đã cung cấp thông tin đa chiều về giảm thiểu nhựa dùng một lần, phân loại rác “nhựa sạch” và tái chế nhựa, nhằm thúc đẩy người tham gia hưởng ứng và chung tay hành động để tăng cường tái chế, giảm tác động xấu đến môi trường. Từ đó, cuộc đua góp phần hình thành nên lối sống bền vững, bảo vệ sức khỏe, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Bạn Phạm Thị Ngọc Trang, sinh viên Đại học RMIT, chia sẻ: “Tôi thấy đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc phân loại rác và tăng cường tái chế rác. Bên cạnh đó, mọi người cũng sẽ nhìn thấy được tác hại của việc sử dụng nhựa một lần và ảnh hưởng của nó đến môi trường sống”.
“Tôi mong rằng, việc phân loại rác sẽ được thực hành nhiều hơn nữa và trở thành thói quen trong cuộc sống, để giảm gánh nặng cho hệ thống thu gom rác đang dần trở nên quá tải, tạo ra nhiều tài nguyên mới và hướng đến một lối sống bền vững hơn”.