Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất, phát triển nhà ở theo dự án, phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Trí - Thành viên Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, ngân hàng lo nhất là pháp lý của dự án. Nếu pháp lý dự án đảm bảo, năng lực doanh nghiệp tốt thì ngân hàng sẵn sàng cho vay để làm dự án nhà ở xã hội. Đây cũng là trách nhiệm của ngân hàng trong góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Xong đề án 1 triệu căn nhà trong tháng 3
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều nguyên nhân ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội. Đó là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra. Theo ông, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023.
Để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, theo ông Hưng, vấn đề đầu tiên là hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó Bộ Xây dựng đang sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Trong đó, về việc quỹ đất chưa đảm bảo nhu cầu, sắp tới các doanh nghiệp có quỹ đất thuộc sở hữu hợp pháp thì được chỉ định làm chủ đầu tư khi phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở.
Khu đất xây dựng nhà ở xã hội của Công ty Nguyên Sơn ở Bình Chánh khởi công năm 2022 nhưng chỉ mới ép cọc xong rồi để đó.
Đối với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã giải trình Chính phủ và dự kiến ban hành ngay trong tháng 3/2023 để có cơ sở thực hiện. Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.
Về nguồn vốn, ông Hà Quang Hưng xác nhận, trong thời gian qua có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân và doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư, người dân vay. Thực tế sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng thì nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu.
“Nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác thì đứt gãy nguồn cho chủ đầu tư, người dân, việc này cũng vượt thẩm quyền của Bộ và Bộ cũng đề xuất lên cấp cao hơn. Nếu Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 thì sẽ trình nghị quyết thí điểm về phát triển nhà cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn luật nhà ở”, ông Hưng nói.