Cơ quan chức năng Hà Giang vừa tống đạt quyết định khởi tố thêm Phó giám đốc CDC Hà Giang cùng thuộc cấp liên quan mua sắm kit xét nghiệm của Việt Á.
Qua thanh tra cho thấy, công tác đấu thầu mua sắm được các đơn vị thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014 NĐ-CP và Thông tư 58/2016/TT-BTC, song vẫn có nhiều vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đầu thầu, thực hiện hợp đồng mua sắm tại 54/61 tỉnh, thành phố với 4.992/15.909 gói thầu vi phạm (trong đó, các địa phương vi phạm cao như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng 100%; Hải Phòng 95,8%; Quảng Trị 95,2%; Nam Định 91,3%; Bình Thuận 90,7%; Cần Thơ 89,3%; Vĩnh Long 85,5%; Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình và Hà Giang trên 70%).
Theo cơ quan Thanh tra, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự , gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước nên đã kiến nghị chuyển 40 vụ cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo thẩm quyền (Thanh tra Chính phủ chuyển 16 vụ việc; Thanh tra bộ, thanh tra tỉnh chuyển 24 vụ việc).
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó: Bộ Y tế 10 nhóm nội dung; Bộ Tài chính 2 nội dung; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 1 nội dung; kiến nghị bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm điểm, xử lý vi phạm; thu hồi các khoản tiền vi phạm; khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra qua thanh tra...
Đối với quyền lợi của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong vụ kit test Việt Á, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân nào thấy mình bị thiệt hại có thể liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.