(GDTĐ) - Theo số liệu được công bố tại Hội nghị tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên diễn ra sáng 16/5, cả nước hiện có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 399 trường cao đẳng và 429 trường trung cấp. Trong năm 2024, khối trường này đã tuyển sinh được 2,43 triệu người học, trong đó số lượng đăng ký học cao đẳng và trung cấp là 430.000.
Đáng chú ý, khoảng 46% trong tổng số người học nghề chọn các nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ, với sự quan tâm đặc biệt đến các ngành công nghệ ô tô, công nghệ điện và công nghệ thông tin.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, đây là những ngành nghề phổ biến, có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội và tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12%, tăng 4% so với năm 2023 nhờ sự phát triển của đào tạo nông nghiệp công nghệ cao. Nhóm ngành y dược và chăm sóc sức khỏe chiếm 10%, có xu hướng tăng do tác động của già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng lớn.
Các ngành nghề mới nổi, định hướng "xanh" như du lịch xanh, nông nghiệp hữu cơ, logistics, y tế công cộng, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, kỹ thuật cơ điện tử, tự động hóa và sản xuất thông minh cũng đang nhận được sự quan tâm từ các cơ sở đào tạo và được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút người học trong những năm tới. Đây là lần đầu tiên các dữ liệu chi tiết về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được công bố, cho thấy sự chuyển động tích cực của hệ thống này trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Tuy vậy, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra một số tồn tại, thách thức trong công tác tuyển sinh. Tâm lý coi trọng bằng cấp và tư tưởng “học đại học là con đường duy nhất” vẫn còn phổ biến trong xã hội, khiến giáo dục nghề nghiệp chưa được lựa chọn như một hướng đi chính thống. Bên cạnh đó, quy mô tuyển sinh đại học lớn, chiếm 50-70% số học sinh tốt nghiệp THPT mỗi năm cùng với các phương thức tuyển sinh linh hoạt đã khiến các trường nghề gặp khó khăn trong cạnh tranh tuyển sinh.
Ngoài ra, nhiều cơ sở đào tạo nghề vẫn gặp hạn chế về năng lực giảng dạy, cơ sở vật chất chưa đồng đều, trong khi việc giảng dạy văn hóa bậc THPT và giáo dục thường xuyên tại các trường nghề chưa đáp ứng được nhu cầu học tiếp lên trình độ cao hơn của người học.
Để giải quyết những khó khăn này, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo chất lượng cao, đẩy mạnh tuyển sinh các ngành nghề ứng dụng công nghệ mới và công nghệ cao. Các trường cũng được khuyến khích phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng, đảm bảo việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Việc số hóa nội dung tuyên truyền, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh cũng được nhấn mạnh nhằm tiếp cận người học hiệu quả hơn, từ đó nâng cao hình ảnh và sức hút của giáo dục nghề nghiệp trong xã hội.