Theo nhóm sinh viên, việc sử dụng công nghệ in 3D trong sản xuất thiết bị y sinh là một phương pháp bền vững và tiên tiến. Ngoài ra, sản phẩm nhựa này không gây hại với môi trường vì sau 6 tháng sử dụng sẽ tự phân hủy và có thể tái chế.
“Lợi thế cạnh tranh của sản phẩm chính từ giá thành thấp, không rủi ro, nhỏ gọn, tập được ở mọi nơi. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ in 3D và nhựa sinh học giúp giảm chi phí sản xuất và tạo ra sản phẩm với giá cả cạnh tranh hơn các sản phẩm tương tự khác”, Vũ Phan Minh Hải nói.
Để đánh giá khả năng ứng dụng, nhóm thử nghiệm cho bệnh nhân tại một bệnh viện tại Bình Dương. Bệnh nhân sử dụng robot hỗ trợ co duỗi bàn tay giúp tạo phản hồi của bàn tay với não bộ.
Với mức độ luyện tập mỗi ngày hai lần, mỗi lần một giờ, sau một tháng điều trị, bệnh nhân đã cử động được các ngón tay nhẹ, tỷ lệ hồi phục khoảng 30%. Tháng tiếp theo, bệnh nhân tăng tần suất tập lên bốn lần mỗi ngày với cường độ tập nhanh hơn khiến tỷ lệ hồi phục lên 60 - 70%. Sang tháng thứ 3, bệnh nhân có thể cầm nắm đồ vật nặng 100 gram và tự cầm cốc uống nước.
Theo Bình Nguyên, hạn chế của sản phẩm là thiết kế cơ khí của bộ truyền chưa tối ưu, còn cồng kềnh, có thể gây khó khăn khi sử dụng. Ngoài ra, hệ thống điều khiển còn phải thao tác trên máy tính, chưa có ứng dụng điều khiển qua app điện thoại để thuận tiện hơn.
Thời gian tới, nhóm sẽ cải tiến thiết bị nhỏ gọn hơn, không chỉ tập cho bàn tay mà các bộ phận vận động khác trên cơ thể. Điều này giúp bác sĩ thu thập các số liệu quan trọng để đưa ra các phác đồ điều trị cho bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
Sản phẩm đạt được nhiều giải thưởng từ khi mới hình thành đến nay, như: Giải Nhì cuộc thi Đổi mới sáng tạo INNOGREEN LIFE 2022; giải Nhất cuộc thi Euréka cấp Trường ĐH Công nghiệp năm 2023; đề tài được yêu thích nhất cuộc thi Euréka cấp TPHCM; giải Nhất Hội nghị khoa học trẻ YSC 2023 và mới đây nhất là giải Ba cuộc thi DigiTrans Smart City - Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh 2023.