Gen Y, gen Z khó tiết kiệm và làm giàu

22/02/2023, 19:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thế hệ trẻ bị cho là những người không chịu khó, tiêu xài hoang phí nhưng thực tế họ đang phải đối mặt với những rào cản trong việc tiết kiệm tiền, mua nhà, làm giàu.

Gen Y, gen Z thường bị cho là thế hệ lười biếng, không biết cố gắng. Ảnh: Pexels.

Theo GOBankingRates, những người trẻ tuổi ngày nay đã bỏ lỡ cơ hội với những khoản vay giá rẻ. Thị trường bò (bull market - khái niệm mô tả trạng thái thị trường tăng trưởng) đã kết thúc, lạm phát đẩy giá lên với tốc độ chóng mặt. Chưa kể, Covid-19 đã làm gián đoạn quá trình trưởng thành của gen Z và thay đổi thị trường lao động mà thế hệ này chuẩn bị tham gia.

Lạm phát, nền kinh tế lên xuống thất thường là điều mỗi thế hệ đều có nguy cơ phải trải qua. Nhưng với gen Y và gen Z, họ phải đối mặt với những rào cản đặc biệt trong việc tiết kiệm tiền, mua nhà, làm giàu - điều mà cha mẹ, thậm chí anh chị của họ phần lớn đều né tránh.

Lương không tăng

Cuối năm 2022, Cục Thống kê Dân số Mỹ báo cáo gần một nửa số thanh niên trong độ tuổi 18-29 đang sống cùng cha mẹ. Đây là con số lớn chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái toàn cầu năm 2009.

Báo cáo đã đưa ra một đoạn điệp khúc dễ đoán về những định kiến phổ biến rằng người trẻ ngày này được coi là những kẻ lười biếng, được cha mẹ quá nuông chiều nên đánh mất đi đạo đức nghề nghiệp đã tồn tại từ lâu.

gen Z lam giau anh 1

Người trẻ bị cho là sống cùng cha mẹ để giảm bớt chi phí sinh hoạt, dùng số tiền đó để mua đồ hiệu. Ảnh: Matthew Sperzel.

Người nổi tiếng về tài chính cá nhân Dave Ramsey cũng có những suy nghĩ tương tự về người trẻ. Trong một chương trình, ông chỉ trích: "Các bạn sống dưới tầng hầm của mẹ, nhưng lại mua được một chiếc túi hàng hiệu. Bạn không thể trốn tránh cuộc sống mãi được, mẹ bạn cũng không thể bảo vệ bạn mãi được".

Ông Dave Ramsey đã 62 tuổi. Cách đây 40 năm, khi ông còn là một thanh niên, tiền lương và toàn bộ nền kinh tế bắt đầu đình trệ. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew và Viện Chính sách Kinh tế, tiền lương tăng quá chậm kể từ khi lứa thanh niên như ông Dave Ramsey lần đầu tiên tham gia thị trường lao động.

Tiền lương tăng chậm đến mức sức mua trung bình của người lao động không tăng đáng kể trong 4 thập kỷ sau đó. Nhưng theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao nhất ở nước này lại nhận thấy thu nhập thực tế của họ tăng 111% trong cùng khoảng thời gian 40 năm đó.

Nhờ chăm chỉ và tài năng, ông Ramsey tìm được chỗ đứng trong xã hội. Nhưng nhiều người ở độ tuổi 20 khác, cũng chăm chỉ và tài năng, lại không được như vậy. Họ vẫn đang sống cùng cha mẹ, không phải vì muốn được mua túi hiệu, mà vì họ đang phải cạnh tranh để được trả mức lương khởi đầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng lao động không được tăng lương kể từ khi ông Jimmy Carter lên nắm quyền tổng thống.

Giá nhà tăng chóng mặt

Năm 1982, khi ông Ramsey kết hôn, giá một căn nhà trung bình là 69.300 USD. Đến năm 2023, giá nhà lên đến 215.000 USD.

Đối với những người ở độ tuổi 20 ngày nay - những người đang tìm cách lập gia đình và mua nhà - giá một căn nhà có thể không còn là 215.000 USD mà sẽ lên đến 467.700 USD.

Tiền lương thực tế không thay đổi, nhưng chi phí nhà ở cứ tăng chóng mặt. Đây là những điều người Mỹ đã lường trước.

gen Z lam giau anh 2

Người trẻ tìm cách mua nhà nhưng tiền nhà tăng chóng mặt. Ảnh: Pexels.

Christine Le, kế toán đồng thời là một blogger du lịch, cũng rơi vào tình trạng khó mua nhà. Le và chồng đều là những người trẻ tuổi, có thu nhập 6 chữ số từ việc viết blog du lịch. Thế nhưng, cả hai vẫn gặp khó khăn trong việc mua một căn nhà ở California.

Chi phí nhà ở tăng cao, thị trường cạnh tranh và lãi suất tăng buộc những người như Le phải hy sinh đáng kể khoản tiền tiết kiệm để phục vụ những khoản trả trước.

"Dù làm việc chăm chỉ và chi tiêu tiết kiệm, người trẻ vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc làm giàu, mua nhà. Những điều đó hoàn toàn trái ngược với định kiến điển hình về người trẻ tuổi, rằng họ không có đạo đức nghề nghiệp và có thói quen chi tiêu phung phí", Christine Le chia sẻ.

Bàn về việc mua nhà, nhà hoạch định tài chính Tyler Chaco trích dẫn dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang, cho thấy tài sản ròng trung bình của những sở hữu nhà cao hơn 80 lần so với những người đi thuê nhà.

Theo ông, sở hữu nhà là một trong những cách chính mà mọi người tạo dựng sự giàu có. Nhưng hiện nay, khi giá nhà đắt đỏ, lãi suất lại cao, mọi người khó khăn hơn khi mua nhà, thậm chí mua nhà khi không đủ khả năng chi trả.

Đây cũng có thể là lý do nhiều người trẻ quyết định trở về nhà sống cùng cha mẹ. Không phải họ muốn ở cùng cha mẹ để vung tiền cho những món đồ hiệu, chỉ đơn giản là họ muốn tiết kiệm cho những khoản trả trước.

Manuel Ferro, sinh viên năm cuối ngành Tài chính và kinh tế tại Đại học Bryant (Mỹ), cũng chung quan điểm với ông Tyler Chaco. Ferro nêu rằng thế hệ trẻ đòi hỏi sự hài lòng, nhưng họ cũng rất khao khát, phấn đấu để nắm bắt những cơ hội tốt hơn.

Gen Z giờ đây đã chuyển từ kiểu chi tiêu sang kiểu tiết kiệm vì họ cảm thấy bất an về tài chính. Khi trở nên hiểu biết hơn về tài chính, gen Z lại muốn tìm hiểu thêm về nền kinh tế và những ảnh hưởng của nó đối với việc chi tiêu của người tiêu dùng. Chính điều này giúp gen Z biết chi tiêu tiết kiệm hơn và họ bắt đầu nghiên cứu để tập tành đầu tư.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gen Y, gen Z khó tiết kiệm và làm giàu