Phần lớn người trẻ đã quen và chuộng hình thức làm việc từ xa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc này có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp của họ, khiến họ phải đối mặt nhiều thách thức như cô đơn và thiếu kết nối.
Một khảo sát được thực hiện vào mùa Thu năm 2020 bởi hai Giáo sư Santor Nishizaki và James DellaNeve, 69% Gen Z muốn làm việc từ xa ít nhất một nửa thời gian. Hai vị Giáo sư này đang viết cuốn sách về Gen Z và lực lượng lao động trong tương lai. Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng, gần một nửa số người được hỏi thừa nhận đã rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm khi làm việc từ xa.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người lao động trẻ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sự nghiệp, do bỏ lỡ công việc tại văn phòng, hay do nhảy việc nhiều.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Trần Thành Nam cho rằng: Để làm việc ở bất kỳ nơi nào cũng cần phải có thời gian đủ dài để học được các kỹ năng, nắm được cái gọi là điều cần thiết trong công việc đấy để chúng ta đủ trưởng thành. Nhưng thời gian làm ngắn quá chưa rèn được kĩ năng gì, các bạn đã nhảy việc rồi thì sẽ giống như việc chúng ta “đứng núi này trông núi nọ”. Chúng ta cần giúp cho thế hệ Gen Z hiểu được xu thế nghề nghiệp, hay có một tầm nhìn về tương lai nghề nghiệp trong từng lĩnh vực một.
“Tiếp đến là cần ý thức được đâu là những năng lực cần thiết của công dân thế kỷ 21 giúp các bạn có thể thích ứng một cách linh hoạt với môi trường công việc mà có thể thay đổi đó là năng lực liên quan đến ngoại ngữ, công nghệ… để chúng ta làm việc một cách linh hoạt, làm việc từ xa, làm việc qua các hệ thống quản lý trên mạng.
Và chúng ta cũng cần có năng lực quản lý về sức khỏe cũng như sức khỏe tinh thần để các bạn có thể làm việc trong môi trường càng ngày càng áp lực hơn. Sẽ cần phải rèn luyện để có được một kỹ năng có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp. Và biết chấp nhận những sự khác biệt để có thể làm việc với các bạn bè các nước trên thế giới khi chúng ta đang ngồi ở Việt Nam” – chuyên gia Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.
Ông Quách Thành Châu, lãnh đạo nguồn nhân lực tại PwC Việt Nam, cho rằng, trong thế giới đột phá ngày nay, không có công việc nào đứng ngoài những thay đổi trong tương lai. Lời khuyên của ông dành cho Gen Z là nên bắt đầu nhìn nhận bản thân mình như một sự tổng hòa các năng lực và kỹ năng, thay vì chỉ gắn mình trong một nghề nghiệp hay vai trò nhất định.
Theo ông Châu, các tổ chức sẽ cần áp dụng một tư duy khác để thu hút và giữ nhân tài Gen Z tại Việt Nam, những người sẽ sớm trở thành động lực phát triển cho lực lượng lao động cũng như nền kinh tế.