Ghép sụn khớp nhân tạo cho vận động viên bóng đá

Vân Huyền | 02/04/2022, 18:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Sau khi tiến hành thăm khám, trên phim MRI, các bác sĩ phát hiện, sụn khớp lồi cầu trong của bệnh nhân bị khuyết kèm theo có mảnh sụn vỡ ra.

Vận động viên Bùi Đình Châu (26 tuổi) có tiền sử chấn thương khớp gối bên phải do chơi bóng đá chuyên nghiệp. Từ 4 tháng nay, bệnh nhân xuất hiện đau gối phải, kèm dấu hiệu kẹt khớp. Các triệu chứng trên tái đi tái lại, ảnh hưởng đến việc tập luyện và thi đấu của bệnh nhân.

Tháng 3, bệnh nhân nhập viện Trung ương Quân đội 108 khoa Phẫu thuật Khớp, Viện Chấn thương Chỉnh hình. Sau khi tiến hành thăm khám, trên phim MRI, các bác sĩ phát hiện, sụn khớp lồi cầu trong của bệnh nhân bị khuyết kèm theo có mảnh sụn vỡ ra. Từ đó, trở thành dị vật trong khớp. Với trường hợp tổn thương này, các bác sĩ nhận thấy chỉ định ghép sụn nhân tạo là hoàn toàn tuyệt đối. Các bác sĩ đã lên phương án phẫu thuật nội soi khớp gối lấy dị vật, kết hợp ghép sụn nhân tạo cho người bệnh.

sun-khop-nhan-tao.jpeg
Vận động viên Bùi Đình Châu (26 tuổi) có tiền sử chấn thương khớp gối bên phải. Ảnh: BVCC.

Trong quá trình phẫu thuật, hình ảnh nội soi hoàn toàn phù hợp với tổn thương trên MRI. Kíp phẫu thuật đã tiến hành lấy dị vật mảnh sụn, làm sạch nơi tổn thương. Dùng dụng cụ kích thích tủy xương chuyên dụng tạo các vi chấn thương tại vùng khuyết sụn. Sau đó, đặt một miếng sụn nhân tạo HyaloFast phủ lên vị trí tổn thương.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi hậu phẫu, hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng sớm. 3 ngày sau mổ, bệnh nhân ra viện trong tình trạng ổn định cả về toàn thân và tại chỗ. Các bác sĩ khoa Phẫu thuật khớp sẽ phối hợp cùng chuyên gia tiếp tục theo dõi, hướng dẫn bệnh nhân luyện tập. Dự kiến sau 6 tháng, bệnh nhân có thể trở lại thi đấu.

sun-khop-nhan-tao1.jpeg
Nguyên nhân tổn thương sụn khớp có thể do chấn thương hoặc hậu quả của quá trình thoái hóa. Ảnh: BVCC.

Theo các bác sĩ, tổn thương sụn khớp là tổn thương không hồi phục. Đồng thời là bệnh lý phổ biến. Nguyên nhân có thể do chấn thương hoặc hậu quả của quá trình thoái hóa. Biểu hiện lâm sàng là đau, kết hợp với dấu hiệu kẹt khớp. Về điều trị, các phương pháp bảo tồn như vật lý trị liệu, thuốc giảm đau chống viêm có tác dụng điều trị triệu chứng đau. Tuy nhiên, để điều trị triệt để, cần thực hiện phẫu thuật lấy bỏ mảnh sụn bong, kết hợp khoan xương kích thích tái tạo sụn, ghép sụn tự thân. Các phương pháp này sẽ có tác dụng là phục hồi sụn khớp bị tổn thương.

“Gần đây, một trong những phương pháp hiện đại mới được áp dụng tại Việt Nam là phẫu thuật nội soi ghép sụn nhân tạo HyaloFast. Đây là phương pháp sử dụng vật liệu sinh học có tính an toàn cao, đã được chứng minh lâm sàng để thúc đẩy quá trình tái tạo sụn khớp. Vật liệu này được ví như một khung giá đỡ gắn kết sụn bị tổn thương với tế bào gốc trung mô tủy xương bám vào và tạo sụn khớp mới. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thương khuyết sụn sẽ hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật 6 tháng trên phim cộng hưởng từ”, TS Nguyễn Quốc Dũng - Bệnh viện Quân đội 108 cho biết.

Bài liên quan
Trẻ viêm thanh quản do mắc Covid-19
(GDTĐ) - Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với Covid-19. Trẻ được chẩn đoán viêm thanh quản cấp, suy hô hấp nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghép sụn khớp nhân tạo cho vận động viên bóng đá