Ghi nhận mô hình hay, cách làm sáng tạo tại Đắk Nông

Hồ Phúc | 23/03/2023, 19:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về đổi mới Chương trình, SGK GDPT.

Chiều 23/3, Đoàn giám sát do bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT).

Tham gia đoàn giám sát có bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo tỉnh Đắk Nông; đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và thành viên trong đoàn.

Triển khai mạnh mẽ

Báo cáo về kết quả thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh có hơn 625.000 người với 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 33%.

Toàn tỉnh có 231 trường học, 4.110 lớp và 146.679 học sinh. Năm học 2022-2023, địa phương có 10.284 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Ghi nhận mô hình hay, cách làm sáng tạo tại Đắk Nông  ảnh 1

Toàn cảnh buổi làm việc.

Ông Hải cho biết, Chương trình, SGK mới đã đảm bảo tính kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế.

Đồng thời, chương trình mới cũng đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục; thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải, tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.

“Việc đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học. Mục tiêu, yêu cầu đổi mới Chương trình, SGK GDPT phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tiễn”, ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, sau thời gian triển khai, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát triển ổn định. Chuyển biến rõ nét nhất là chuyển từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh.

Đồng thời đổi mới mạnh mẽ về phương pháp và hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh; chú trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống; năng lực sáng tạo, giải quyết vấn đề, ý thức trách nhiệm xã hội của học sinh.

Công tác quản lý nhà nước về giáo dục cũng được tăng cường và có chuyển biến tích cực theo hướng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính của ngành; tăng cường phân cấp quản lý giáo dục; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Việc đầu tư kinh phí cho giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất nhà trường từng bước cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Tỉnh đã chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, quan tâm đầu tư theo các chuẩn quy định để triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

“Sau khi có quyết định phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các nhà xuất bản và công ty phát hành sách để in ấn và phát hành tài liệu theo quy định”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết thêm.

Ghi nhận mô hình hay, cách làm sáng tạo tại Đắk Nông  ảnh 2

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Nâng cao chất lượng đội ngũ

Phát biểu kết luận buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông trong việc đầu tư nguồn lực, chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết 88 và 51 về đổi mới Chương trình, SGK GDPT.

Trong giai đoạn đầu triển khai, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, đội ngũ giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, tích cực trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo đã được cơ sở giáo dục triển khai thành công.

Bà Thanh đồng thời đánh giá cao việc tỉnh Đắk Nông là một trong số các địa phương đầu tiên hoàn thành biên soạn, in ấn và phát hành Tài liệu giáo dục địa phương theo quy định. Hiện còn tài liệu lớp 3, bà Thanh đề nghị tỉnh Đắk Nông khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện để trình phê duyệt.

“Thời gian tới ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông cần phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục và nhà giáo trong xây dựng kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục để đạt được mục tiêu chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

Bên cạnh đó UBND tỉnh cũng cần quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm việc hướng dẫn học sinh mua SGK không kèm theo tài liệu tham khảo; hoàn thiện, phát hành Tài liệu giáo dục địa phương đúng tiến độ năm. Tỉnh phải có giải pháp hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh khó khăn, học sinh ở các trường dân tộc nội trú, bán trú”, bà Thanh nhấn mạnh.

Ghi nhận mô hình hay, cách làm sáng tạo tại Đắk Nông  ảnh 3

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ những thuận lợi và khó khăn đối với ngành Giáo dục tỉnh.

Cũng theo bà Thanh, tỉnh cần chỉ đạo khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán, đồng thời nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên đại trà; Rà soát, đánh giá thực tiễn để bố trí giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hiệu quả ở cấp THCS.

“Đặc biệt địa phương tiếp tục rà soát, bố trí ngân sách để bổ sung phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học, đặc biệt đối với các trường dân tộc nội trú, bán trú, ở vùng khó khăn,... bảo đảm đủ điều kiện triển khai đổi mới phương pháp dạy học; quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo”, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những nỗ lực của ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Nông. Điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc, người dân còn khó khăn nhưng thầy cô giáo đã hết sức cố gắng vượt qua và bước đầu thực hiện thành công Chương trình mới. Thứ trưởng mong đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, từ đó có những kiến nghị quan tâm hơn nữa đến ngành Giáo dục.

Bài liên quan
Đoàn giám sát Quốc hội thị sát các 'điểm đen' giao thông Đồng Nai
Ngày 10/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, TP Biên Hòa về vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghi nhận mô hình hay, cách làm sáng tạo tại Đắk Nông