Thời sự

Giá vàng nhẫn 'thăng hoa': Có nên đầu tư?

27/09/2024 06:15

Tìm hiểu về giá vàng nhẫn và xem xét các yếu tố trước khi quyết định đầu tư vào thị trường vàng

Giá vàng nhẫn trong các ngày gần đây đã tăng theo cả triệu đồng/lượng và trở nên khan hiếm. Song, các chuyên gia cũng đưa ra điều quan trọng cần chú ý là việc lựa chọn đầu tư cần phụ thuộc vào tình hình tài chính cá nhân, mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro.

Lên đỉnh lịch sử

Giá vàng nhẫn bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 10 năm ngoái và ngày càng nới rộng đà tăng. Chỉ riêng từ đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 17,85 triệu đồng, tương đương hiệu suất sinh lời hơn 28%. Trong khi đó, vàng miếng ghi nhận mức sinh lời chỉ 8%, sau các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bình ổn giá.

Lúc 9 giờ ngày 25/9, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 81,5 triệu đồng/lượng, bán ra 83,5 triệu đồng/lượng, ổn định so với hôm trước. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục xô đổ những kỷ lục cũ khi vọt lên 80,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 82,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng thêm 1,2 triệu đồng/lượng so với ngày 24/9.

Công ty PNJ báo giá mua vàng nhẫn trơn ở mức 81,5 triệu đồng/lượng, bán ra 82,5 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng nhẫn tròn trơn tăng lên ngưỡng 81,58 - 82,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch sáng 24/9.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, vàng nhẫn trơn có độ nguyên chất 99,99%, thường được dùng với mục đích làm quà tặng và tích trữ đầu tư hơn là làm trang sức đeo hằng ngày. Về bản chất, vàng nhẫn trơn có chất lượng tương tự như vàng miếng. Cùng hàm lượng như nhau song nhẫn tròn trơn không bị gắn mác độc quyền bởi Nhà nước, thông qua thương hiệu SJC như vàng miếng. Điều này dẫn đến việc vàng nhẫn ngày càng đắt trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, vàng nhẫn trơn nhiều thời điểm từ đầu năm cũng đã gặp tình trạng khan hàng. Đơn cử, giai đoạn sau Tết Nguyên đán hay ngày vía Thần Tài, nhiều cửa hàng của các thương hiệu lớn ở Hà Nội và TPHCM đã báo hết hàng.

Không ít khách tới hỏi mua nhưng bỏ về hoặc chuyển qua loại vàng khác khi nhân viên cho biết mặt hàng không còn dồi dào. Các đơn vị kinh doanh kim loại quý cũng giới hạn mỗi người mua tối đa một chỉ hoặc 5 chỉ, tùy cửa hàng.

Nguyên nhân khác khiến vàng nhẫn “nóng” còn do một bộ phận người dân chuyển dịch từ mua vàng miếng sang vàng nhẫn, khi họ đang chờ đợi các quy định mới về việc có độc quyền vàng miếng SJC hay không.

Chuyên gia Trần Minh Phong nhìn nhận, khoảng 2 tuần nay vàng thế giới tăng mạnh với mức giá cao, từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 30%, tương đương 600 USD. Vì vậy, có khả năng sẽ xảy ra việc chốt lời của vàng thế giới vì vàng thế giới luôn luôn biến động.

“Dự báo sang tháng 10, giá vàng sẽ có xu hướng được điều chỉnh giảm trở lại thì lúc này mới nên mua vào. Vì giá vàng đến cuối năm sẽ còn tăng cao hơn thời điểm hiện tại, nhà đầu tư sẽ sinh lời cao hơn. Đối với người đã mua vàng từ trước đến nay đã có lãi nên cân nhắc để chốt, đợi đến khi vàng giảm mua lại”, ông Phong cho biết.

Người mua tiếc nuối

Cuối tháng 4, khi giá vàng nhẫn chạm mốc 77 triệu đồng/lượng, chị Trần Hà Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đem 10 chỉ vàng ra cửa hàng bán chốt lời. Đây cũng là số vàng mà chị Phương tích lũy trong vòng một năm bằng việc trích khoản tiền lương mỗi tháng ra mua vàng. Sau khi chốt bán vàng, chị Phương do dự về việc có nên tiếp tục mua vàng để tích lũy như thời gian trước.

“Giá vàng nhẫn tăng mạnh sau đó chững lại. Cộng thêm việc mua vàng trở nên khó khăn hơn khi các chính sách bình ổn giá vàng được đưa ra khiến tôi cho rằng giá vàng nhẫn sẽ khó có thể tiếp tục tăng. Bởi vậy mà tôi do dự về việc mua vàng. Nhưng không thể tin, đến hiện tại, giá vàng nhẫn lên tới hơn 81 triệu đồng mỗi lượng”, chị Phương nói.

Giống chị Phương, anh Đình Quang (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng từng chốt lời gần 20 chỉ vàng nhẫn hồi giữa tháng 4. “Cơn sốt vàng” đẩy giá kim loại quý này liên tục khiến anh Quang không dám mua lại vì sợ sẽ “đu đỉnh”. Anh Quang cũng không thể ngờ giá vàng nhẫn có ngày vượt 81 triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện tại, giá vàng thế giới đang trong đà tăng mạnh, với mức giá vượt ngưỡng 2.600 USD/ounce.

Chỉ trong 2 ngày, giá vàng đã tăng hơn 30 USD/ounce, phản ánh sự biến động của thị trường trước các yếu tố kinh tế và địa chính trị phức tạp. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi mua vàng trong thời điểm này cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Có thể xuất hiện các đợt điều chỉnh khi các nhà đầu tư lớn thực hiện chốt lời.

Người dân nên thận trọng cân nhắc kỹ trước khi mua vào thay vì chạy theo tâm lý đám đông. Bên cạnh đó khi không mua được vàng, quay sang giao dịch ở thị trường “chợ đen” nên lưu ý về chất lượng và tính thanh khoản.

Giá vàng đang rất sốt, không nên nóng vội, bỏ hết vốn liếng đầu tư vào vàng. Nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin từ các kênh, các tuyên bố, động thái của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các diễn biến mới nhất từ thị trường. “Trong cơn sốt giá vàng, tuyệt đối tránh tình trạng vay tiền để mua vàng. Bởi khi vàng đột ngột rớt giá, người vay sẽ cùng lúc phải chịu áp lực nặng nề từ việc thất thoát tiền bạc và trả nợ”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Ông Nguyễn Phương - chủ tiệm một tiệm vàng tại Hà Nội chia sẻ, vài tháng gần đây người dân đã “bỏ lơ” vàng miếng SJC, chuyển sang nắm giữ vàng nhẫn. Trong khi đó, Việt Nam không nhập khẩu vàng nguyên liệu, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, làm cho các đối tượng chuyên cung cấp vàng không có nguồn gốc im hơi lặng tiếng. “Điều này làm cho một số doanh nghiệp, chủ tiệm vàng không có nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn. Do rất ít người dân bán ra nên không ít đơn vị không đủ hàng đáp ứng nhu cầu khách hàng”, ông Phương cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá vàng nhẫn 'thăng hoa': Có nên đầu tư?