Giá dầu thế giới trong tuần giảm mạnh ở mức 7% đối với dầu Brent và 6,8% đối với dầu WTI.
Lúc 6h ngày 5/5, giá dầu Brent kết thúc tuần giao dịch ở mức 82,96 USD/thùng, giảm hơn 7% cả tuần.
Giá dầu WTI đóng cửa ở mức 78,11 USD/thùng, giảm 6,8% cả tuần.
Như vậy, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều đánh dấu mức giảm hàng tuần sâu nhất trong 3 tháng.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng chi phí vay dài hạn cao hơn sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ lãi suất ổn định.
Theo Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ, bảng lương phi nông nghiệp đã tăng 175.000 việc làm trong tháng 4, mức thấp nhất trong 6 tháng, đồng thời thấp hơn so với dự báo tăng thêm 243.000 của các nhà kinh tế.
Thêm vào đó, mức tăng lương hàng năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 4% trong gần 3 năm. Điều này khiến các nhà giao dịch tăng đặt cược vào khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay vào tháng 9.
Bên cạnh đó, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng và kỳ vọng về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã đẩy giá dầu trượt sâu hơn gần 1% trong phiên giao dịch thứ 2 của tuần.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên 13,15 triệu thùng/ngày trong tháng 2, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2021. Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cũng cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 4,91 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/4.
Giá dầu đã thiết lập hat-trick giảm tại phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Trong phiên này, giá dầu lao dốc khoảng 3% xuống mức thấp nhất trong 7 tuần, chịu tác động mạnh bởi tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vọt 7,3 triệu thùng, ngược so với mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng của các nhà phân tích và cao hơn so với mức báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ.
Nhận xét về sự trượt dốc sâu này của giá dầu, Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial Securities cho biết thông tin bất ngờ từ EIA khiến các nhà đầu tư mất cảnh giác.
Tim Snyder, chuyên gia kinh tế tại Matador Economics, nhận xét nền kinh tế Mỹ đang chậm lại một chút. Theo chuyên gia kinh tế này, những dữ liệu gần đây chỉ ra rằng “Fed có thể cắt giảm lãi suất ít nhất một lần trong năm nay”.
Trong tuần, Fed đã quyết định giữ lãi suất ổn định và cho biết mức lạm phát cao có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Lãi suất cao hơn thường đè nặng lên nền kinh tế và có thể làm giảm nhu cầu dầu.
Từ 15h ngày 2/5, giá xăng E5 RON92 giảm 8 đồng/lít, không cao hơn 23.911 đồng/lít và giá xăng RON95 tăng 40 đồng/lít, không cao hơn 24.955 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 110 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành, không cao hơn 20.606 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 142 đồng/lít, không cao hơn 20.544 đồng/lít.
Riêng giá dầu mazut tăng 255 đồng/kg, không cao hơn 17.663 đồng/kg.
Ở kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng.
Trước diễn biến của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước sớm đưa ra dự báo, trong kỳ điều hành vào thứ 5 tuần tới (ngày 9/5), rất có thể cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo hướng giảm sâu.
"Trong kỳ điều hành tới, giá xăng có thể được điều chỉnh giảm từ 1.100 - 1.300/lít tuỳ loại, còn giá dầu có thể được điều chỉnh giảm từ 700 - 800/lít, kg. Mức giảm trên chưa tính đến việc cơ quan chức năng chi, trích quỹ bình ổn", ông Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội dự báo.