Một nghiên cứu mới đây cho thấy, người Ai Cập cổ đại có thể đã nghiên cứu đến công nghệ hạt nhân. Một số ngôi mộ thời đó có thể đã được sử dụng để lưu trữ chất thải phóng xạ nên nhiều người bước vào lăng mộ đã chết một cách bí ẩn và tin đó là do “lời nguyền của Pharaoh”.
Hơn một thế kỷ trước, Lord Carnarvon - một nhà Ai Cập học nghiệp dư, cùng với nhà khảo cổ học Howard Carter, đã phát hiện ra lăng mộ của Vua Tutankhamun ở “Thung lũng của các vị vua”. Ông Carnarvon là người hỗ trợ tài chính cho cuộc khai quật. Vào ngày 4-11-1922, Carnarvon và một nhóm khảo cổ học đã mở cửa lăng mộ vị vua của Ai Cập sau hàng nghìn năm.
Khung cảnh bên ngoài lăng mộ Vua Tutankhamun trong cuộc khai quật năm 1922 tại Thung lũng các vị vua ở Ai Cập
Lời nguyền ứng nghiệm?
Việc mở niêm phong và nghiên cứu lăng mộ Vua Tutankhamun được cho là khởi đầu kỷ nguyên hiện đại của ngành Ai Cập học. Từ góc độ lịch sử, việc phát hiện ra ngôi mộ được coi là một trong những phát hiện hấp dẫn nhất, giúp xã hội hiện đại có cái nhìn tổng thể về hành trình của Hoàng gia Ai Cập sang thế giới bên kia. 5.000 đồ vật (có hiện vật bằng vàng nguyên khối), tượng, trò chơi và động vật lạ, được phát hiện bên trong lăng mộ của Vua Tutankhamun. Những người khai quật phải mất 10 năm mới dọn sạch được kho báu trong ngôi mộ. Chỉ có điều, người Ai Cập vẫn truyền tai nhau về lời nguyền rằng, những ai quấy rối hài cốt của bất kỳ người Ai Cập cổ đại nào sẽ có thể bị xui xẻo, bệnh tật và thậm chí tử vong. Quả thực, sau vụ khai quật ngôi mộ nổi tiếng, một số người tham gia đoàn khám phá đã chết trong những hoàn cảnh kỳ lạ và bí ẩn. Điều này càng khiến người ta tin rằng, đó là ứng nghiệm của “lời nguyền Pharaoh”.
Đơn cử, ông Carnavon qua đời vào ngày 5-4-1923, chỉ vài tháng sau khi mở lăng mộ. Ông không chịu nổi vết muỗi đốt (được cho là bị nhiễm trùng) dẫn đến ngộ độc máu và viêm phổi. Hai người anh em cùng cha khác mẹ của ông qua đời ngay sau khi đến thăm lăng mộ vào năm 1923. Cùng với đó, Hoàng tử Ai Cập Ali Kamel Fahmy Bey bị vợ bắn chết năm 1923. George Jay Gould I, con trai của nhà tài chính nổi tiếng Jay Gould, đã chết vì sốt sau khi đến thăm lăng mộ. Ông Lee Stack - Toàn quyền Sudan, bị ám sát năm 1924. Richard Bethell - Thư ký chính của nhà khảo cổ học Howard Carter, bị chết ngạt trên giường vào năm 1929. Còn nhà khảo cổ Carter qua đời vào năm 1939 vì một cơn đau tim sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư hạch.
Các thành viên khác trong đoàn phát hiện lăng mộ Pharaoh Tutankhamun năm 1922 lần lượt qua đời rải rác đến năm 1940. Tổng cộng, 6/26 người có mặt khi ngôi mộ được mở đã chết trong vòng 1 thập kỷ vì ngạt thở, đột quỵ, tiểu đường, suy tim, viêm phổi, ngộ độc, sốt rét và phơi nhiễm tia X. Tất cả đều qua đời ở độ tuổi dưới 50, riêng nhà Ai Cập học người Anh Arthur Weigall tham dự lễ khai quật lăng mộ và bị cho là kích động “huyền thoại” về lời nguyền qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 54.
Công nhân di chuyển hiện vật khai quật từ Lăng mộ Vua Tutankhamun năm 1922
Nguyên nhân là phóng xạ độc hại
Tuy nhiên, hơn 100 năm sau, một nhà khoa học hiện tuyên bố đã giải mã được bí ẩn của “Lời nguyền của Pharaoh” khét tiếng. Trên Tạp chí Khám phá khoa học (JSE) cuối tháng 4-2024, nhà khoa học Ross Fellowes công bố rằng, phóng xạ độc hại phát ra từ uranium và chất thải độc hại đã tồn tại bên trong ngôi mộ kể từ khi nó bị phong ấn hơn 3.000 năm trước. Việc tiếp xúc với những chất này có thể góp phần gây ra cái chết cho những người bước vào lăng mộ. Những dòng chữ được tìm thấy bên trong các ngôi mộ khác trên khắp Ai Cập cho thấy người cổ đại thậm chí có thể đã biết về chất độc trong lăng mộ. Ông Fellowes cho biết: “Bản chất của lời nguyền đã được khắc rõ ràng trên ngôi mộ rằng: “Ai phá vỡ ngôi mộ này sẽ phải chết bởi một căn bệnh mà không bác sĩ nào có thể chẩn đoán được”.
Nghiên cứu của ông Ross Fellowes viết: “Bức xạ đã được máy đếm Geiger phát hiện tại 2 địa điểm ở Giza, gần các kim tự tháp. Đồng thời, radon (một loại khí phóng xạ) cũng đã được phát hiện trong một số ngôi mộ dưới lòng đất ở Saqqara. Tất cả các chỉ số này đều được phát hiện là có tính phóng xạ mạnh”. Nghiên cứu chia sẻ: “Các nghiên cứu hiện đại xác nhận, mức độ phóng xạ trong các ngôi mộ Ai Cập cổ đại rất cao, gấp 10 lần so với mức tiêu chuẩn an toàn được chấp nhận”. Nghiên cứu còn cho thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa văn học Ai Cập cổ đại và công nghệ hạt nhân. Các nhà nghiên cứu đã rà soát các văn bản có niên đại khoảng 2.300 - 2.100 trước Công nguyên, bao gồm văn bản khắc trên kim tự tháp và văn bản khắc quanh quan tài.
Theo đó, một số tài liệu nhắc đến quá trình biến đổi và các chất giống với vật liệu dựa trên uranium, gợi ý về trình độ công nghệ tinh vi ở Ai Cập cổ đại. Ví dụ, thần Osiris, nhân vật trung tâm trong thần thoại Ai Cập, có khả năng “biến thành ánh sáng”, ám chỉ sự giải phóng năng lượng hạt nhân hoặc chuyển đổi vật chất thành năng lượng. Theo nghiên cứu, thần Osiris còn được mô tả như một “chất nguyên thủy”, “vật chất chưa định hình” và “được hình thành từ các nguyên tử”, cho thấy sự nắm bắt sơ khai về lý thuyết nguyên tử hoặc các đặc tính nguyên tố của người xưa. Tài liệu cổ Ai Cập còn đề cập đến dòng chảy vô hình từ “bánh nghệ tây”, chứng tỏ mối liên hệ thần bí với uranium, một thành phần quan trọng trong nhiên liệu hạt nhân.
Hơn nữa, các hồ sơ khảo cổ về lăng mộ tiết lộ các nghi lễ liên quan đến việc chôn cất chất thải của thần Osiris trong các hầm dưới lòng đất, có thể cho thấy sự hiểu biết của người Ai Cập về việc xử lý chất thải phóng xạ. Những ám chỉ về việc chế biến “thực phẩm ma thuật” còn liên quan đến kỹ thuật tinh chế vật liệu. Nghiên cứu lưu ý: “Ở đây, việc kiểm tra lại các bản dịch tiêu chuẩn cho thấy người Ai Cập mô tả bằng ngôn ngữ đơn giản, thường xuyên về công nghệ hạt nhân”. Tất cả những điều đó cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nơi yên nghỉ chính thức của Vua Tutankhamun trong lăng mộ gần Luxor, Ai Cập
Góc nhìn khác từ y học hiện đại
Quan trọng hơn cả, nghiên cứu do ông Ross Fellowes công bố nhấn mạnh: “Dữ liệu từ các nhà Ai Cập học thời hiện đại và các cộng sự tiếp xúc với việc khai quật các ngôi mộ cho thấy, tỷ lệ tử vong cao là do suy tim mạch và các triệu chứng điển hình khác của ung thư tạo máu, tương ứng với những gì ngày nay được công nhận là bệnh do phóng xạ”.
Năm ngoái, một cựu Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập cũng tiết lộ cách ông tránh được lời nguyền khét tiếng và tin rằng nó có nguồn gốc ít huyền bí hơn nhiều. Tiến sĩ Zahi Hawass được coi là nhà Ai Cập học hàng đầu thế giới cho biết, chìa khóa để giữ an toàn là tránh xa vi khuẩn cổ đại. “Khi đặt một xác ướp bên trong ngôi mộ, xác ướp này chứa những vi khuẩn mà bạn không thể nhìn thấy” - ông nhấn mạnh. Các nhà khảo cổ trước đây thường vội vàng bước vào bên trong các ngôi mộ và bị vi khuẩn tấn công. Để tránh số phận tương tự, Tiến sĩ Hawass đã thận trọng hơn. “Chỉ 2 tuần trước, tôi đã tìm thấy một chiếc quách được niêm phong nặng 25 tấn, nằm sâu khoảng 20m dưới mặt đất. Nắp quan tài nặng khoảng 6 tấn. Hai người thợ bắt đầu nâng nắp lên và mở nó ra. Khi đó, tôi đã để quan tài mở trong nửa giờ để không khí xấu thoát ra ngoài và không khí trong lành đi vào” - ông kể.
Lý giải thêm về “lời nguyền của các pharaoh”, nhà Ai Cập học hàng đầu cho biết, việc phát hiện ra lăng mộ Vua Tutankhamun là khám phá chấn động và mọi tin tức liên quan đã được ông Carnarvon trao độc quyền cho tờ Times of London. Vậy nên những người khác không thể viết gì được. “Nhưng khi Carnarvon qua đời 5 tháng sau, người ta tha hồ thêu dệt lên những câu chuyện không có thật về lời nguyền” - ông Hawass nói.