Nhận định về diễn biến tiếp theo, ông Hưởng cho biết từ ngày 15/10 đến hết ngày 16/10, mưa lớn tiếp diễn ở khu vực từ phía nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế với lượng 70-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Trong khi đó, lượng mưa ghi nhận ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi dự báo 50-100 mm, có nơi trên 120 mm. Từ ngày 17/10, mưa ở các tỉnh miền Trung giảm nhanh.
Dự báo thêm, chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết mưa đã giảm ở Đà Nẵng nhưng có thể quay trở lại vào ngày 16/10 với lượng nhỏ. Trong khi đó, trọng tâm mưa đang dồn ra khu vực Thừa Thiên - Huế.
"Các ổ mây vẫn còn tồn tại ở phía bắc đèo Hải Vân nên mưa lớn tiếp tục ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến hết ngày 16/10. Đồng thời, vùng núi Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn cần tiếp tục đề phòng mưa lớn", bà Lan dự báo.
Sau Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế tiếp tục là tâm điểm của mưa lũ khi đỉnh lũ trên sông Bồ có thể chạm mức lịch sử năm 2020 trong chiều 15/10. Ảnh: V.D. |
Chuyên gia cho biết nối sau bão số 5, Biển Đông khả năng hứng thêm cơn bão vào ngày 16-17/10 với cường độ mạnh. Hình thái này khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Trung Bộ trong ngày 20-21/10.
Với 3 cơn bão nối nhau trong liên tiếp 3 tuần (27/9-20/10), chuyên gia cảnh báo miền Trung đối mặt với nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ.
Cùng ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực phía đông của Philippines và có thể mạnh lên thành bão. Khoảng ngày 16-17/10, bão di chuyển vào Biển Đông và khả năng cao trở thành cơn bão số 6.
Đồng thời, ngày 16/10, một bộ phận không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống có thể tương tác với cơn bão số 6 sắp tới. Vì vậy, các diễn biến về bão trên Biển Đông trong những ngày tới còn rất phức tạp.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 12h30 trưa 15/10, mưa lũ ở Đà Nẵng đã khiến 4 người chết. Đồng thời, địa phương ghi nhận gần 3.900 ngôi nhà bị ngập sâu 0,4-1 m. Hiện, nước trên các tuyến đường và một số khu dân cư đã rút.
Trong khi đó, mưa lũ kéo dài hai ngày qua cũng khiến 11.200 ngôi nhà ở Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu 0,3-0,8 m; hàng chục điểm giao thông ngập 0,4-0,7 m.
Tại Quảng Trị, gần 700 ngôi nhà bị ngập sâu 0,3-0,5 m tập trung ở huyện Hải Lăng; 19 điểm giao thông qua địa phương của ngập tới 0,6-1,5 m.
Thống kê thiệt hại của các địa phương khác vẫn đang được cập nhật.