Tuy vậy, bên cạnh nhiều phụ huynh, thí sinh xem chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là cơ hội lớn để “rộng cửa” bước chân vào ngôi trường trung học yêu thích, cũng có không ít ý kiến cho rằng cách làm này dễ tạo ra khoảng cách, bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục, thiệt thòi cho những thí sinh ở khu vực điều kiện kinh tế kém hơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Thực tế cho thấy đa số trường xét tuyển đầu vào thường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, đầu cấp THCS thì dùng TOEFL Primary; Đầu cấp THPT thường dùng IELTS học thuật (IELTS Academic) hoặc chứng chỉ quốc tế khác tương đương. Chi phí để thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không nhỏ, bên cạnh đó, điểm thi cũng phụ thuộc nhiều vào việc luyện thi, vì thế không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo đuổi. Nhóm học sinh điều kiện kinh tế hạn chế, ở nơi khó khăn có thiệt thòi hơn đối với hình thức xét tuyển này.
Đòi hỏi một chính sách giáo dục xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách, điều kiện kinh tế giữa các thí sinh là bất khả thi nhưng chúng ta có thể đưa ra giải pháp hạn chế khoảng cách này, tạo sự bình đẳng và cơ hội rộng rãi hơn cho thí sinh yếu thế.
Các trường, địa phương có thể sử dụng đa dạng hơn chứng chỉ tiếng Anh khác nhau, có quy đổi tương đương và dành một tỷ lệ % chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp ở hình thức xét tuyển này. Hiện, chứng chỉ tiếng Anh trong nước VSTEP do các trường đại học Việt Nam cấp với chi phí dự thi khá rẻ, phù hợp với số đông. Năm 2023 nhiều trường như ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội)… dùng VSTEP trong tuyển sinh đại học. Tuyển sinh đầu cấp khối trung học cũng có thể lưu ý đến VSTEP, để rộng cơ hội hơn cho thí sinh hạn chế về tài chính.