Thời sự

Giải pháp ‘hồi sinh’ những cây xanh gẫy đổ sau ‘siêu bão’ số 3 Yagi

14/09/2024 17:36

Cơn bão số 3 quét qua Hà Nội gây thiệt hại lớn về nhiều mặt, trong đó có lượng cây xanh bị gãy, đổ được đánh giá là nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để “hồi sinh” những cây xanh gẫy đổ, đặc biệt là những cây xanh quý hiếm.

Hơn 40.000 cây gẫy đổ do "siêu bão" số 3 gây ra

Theo thống kê của thành phố Hà Nội, "siêu bão" số 3 quét qua Hà Nội đã khiến hơn 40.000 cây đổ và cành gãy trên địa bàn thành phố. Trong đó, có tới hơn 24.800 cây đổ, tập trung nhiều ở các địa phương: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm. Đáng chú ý, có nhiều cổ thụ cả trăm năm tuổi, gắn với nhiều địa danh lịch sử cũng bị bật gốc, gãy đổ trong bão số 3, khiến nhiều người tiếc nuối.

Giải pháp ‘hồi sinh’ những cây xanh gẫy đổ sau ‘siêu bão’ số 3 Yagi- Ảnh 1.
Việc trồng cây xanh mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và đời sống của người dân - Ảnh: VGP/Thùy Chi

Điển hình, theo số liệu thống kê của Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), có đến 116 cây đổ bên trong công viên, bên ngoài có 26 cây đổ, một số tường rào, bồn hoa bị hỏng cần sửa chữa. Nhiều người tiếc nuối vì cây đa do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng vào năm Canh Tý 1960 khi kêu gọi cả nước hưởng ứng phong trào Tết trồng cây đã bị gãy ngang thân, một số cành gãy do ảnh hưởng của mưa bão. Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, Cây đa Bác Hồ bị lệch tán, gãy ngang thân. Công ty sẽ đưa ra phương án tối ưu để khôi phục cây đa này.

Còn tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), đơn vị quản lý cho biết, có 34 cây đổ, toàn bộ cây hoa các bồn bị dập nát. Chuồng nuôi nhốt thú có chuồng cầy và chuồng hà mã bị hư hỏng do cây đổ đè vào, may mắn thú đã được di chuyển an toàn.

Tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, cây đa nhiều năm tuổi vốn đã quen thuộc với nhiều người cũng bị gãy làm đôi. Cây si to lớn ở biệt thự 49 Trần Hưng Đạo cũng bật gốc, khiến nhiều người tiếc nuối.

Đáng chú ý, trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là những tuyến đường có hàng cây lâu năm, nhiều bóng mát nổi tiếng như Thanh Niên, Phan Đình Phùng… nhiều cổ thụ, cây đa bật gốc, gãy đổ. Trên đường Thanh Niên, một cây si bật gốc với bộ rễ rộng khoảng 4m. Trên đường Hoàng Diệu, một cổ thụ bật gốc, đổ ngang đường. Cây sưa lâu năm ở gần trụ sở Bộ Ngoại giao (phố Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình) cũng đã bị bão số 3 quật ngã khiến nhiều người nuối tiếc, vì đây từng là địa điểm được rất nhiều người yêu thích đến "check in" mỗi khi cây sưa ra hoa.

Trên tài khoản mạng xã hội facebook, một bạn nữ chia sẻ: "Bao nhiêu năm qua, mỗi khi mùa Xuân đến, khoảng cuối tháng 2, hoa sưa lại bung nở trắng xóa, li ti, rơi rơi trên vỉa hè làm thành tấm thảm trắng tinh khôi, tô điểm cho Quảng trường Ba Đình, làm tăng thêm vẻ đẹp của tòa nhà Bộ Ngoại giao và mãi sống trong ký ức của rất nhiều người từng đi qua đây, gắn bó nhiều năm tháng với nơi này... Thế mà hôm nay cây sưa đổ rồi!".

Trước những hình ảnh nhiều cây cổ thụ ở Hà Nội bị bão số 3 quật ngã trong mưa gió, nhiều tài khoản mạng xã hội không khỏi tiếc nuối, vì cần tới cả trăm năm mới có những gốc cây như thế. Ai cũng mong muốn những cây này sẽ sớm được "hồi sinh".

Chị Nguyễn Hoài Anh, nhà ở phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình) cho biết, chị thường vào Công viên Thủ lệ để đi bộ, tập thể dục khi rảnh. Những cây xanh trong công viên đem lại bóng mát cho mọi người, bên cạnh đó còn mang lại cảnh quang xanh mát, tươi đẹp khiến cho chị cảm thấy yêu nơi này hơn. Cơn bão số 3 đã khiến nhiều cây ở Công viên đổ khiến chị cảm thấy đầy nuối tiếc, chị rất mong các cơ quan chức năng sẽ khôi phục lại được những cây xanh nơi này.

Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Đặng Văn Hà cho biết, nhiều cây xanh gãy, đổ thuộc các loài lát, bàng, sấu, bằng lăng, keo…, vốn là cây trồng phù hợp lấy bóng mát ở đô thị, có sức chịu gió tốt. Tuy nhiên, "siêu bão" số 3 khi vào đến Hà Nội có sức gió ở cấp 8-9, giật cấp 10, 11 nên những cây có chiều cao lớn, hoặc mới trồng, rễ chưa kịp cắm sâu sẽ không thể chống chịu. Cây cổ thụ tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) bị gió vặn gãy gục phần thân lớn, trong khi gốc vẫn còn nguyên vẹn cho thấy sức gió khủng khiếp.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lại Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh phân tích, tại các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, khoảng không gian cho cây xanh phát triển tự do đang dần thu hẹp lại. Do ảnh hưởng của các công trình xây dựng, một số loại cây phát triển lệch, gây mất cân đối giữa chiều cao và đường kính trụ. Trong khi đó, đặc thù đất của Hà Nội trũng, độ ẩm cao, đặc biệt các mạch nước ngầm trong thành phố cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cây xanh đô thị dễ bị đổ khi gặp thời tiết cực đoan.

Vẫn biết khả năng chống chịu của cây trước sức gió giật mạnh nhất trong vòng 30 năm qua là hữu hạn, tuy nhiên cũng cần phải tìm ra các giải pháp hữu hiệu chống với bão lũ, bảo vệ cây xanh, tài sản quý giá của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội cần làm gì để có thể "hồi sinh" những cây xanh bị gãy đổ?

Việc tìm giải pháp tích cực, hữu hiệu để bảo vệ, khôi phục và giữ lại những cây đã bị đổ đang là bài toán với chính quyền TP. Hà Nội.

Ngay sau khi cơn bão số 3 quét qua Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khi đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 đã yêu cầu, đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ vì "trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian".

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khi đi thị sát sau cơn bão đã chỉ đạo, các Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách các địa bàn cần quan tâm việc bảo vệ, khôi phục lại cây xanh ở các địa phương, tránh làm vội sẽ thiệt hại, khó khắc phục. Phải cố gắng bảo vệ, "hồi sinh" tối đa các cây xanh trên địa bàn, đặc biệt là các cây xanh quý hiếm.

Để giữ gìn, khôi phục lại những cây xanh đã bị gẫy đổ do "siêu bão" số 3 gây ra, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đang nỗ lực cùng với các bộ phận chuyên môn chuẩn bị phương án tổng thể, với các giải pháp hữu hiệu để khôi phục lại những cây đã đổ, gãy cành với hy vọng giữ được tối đa có thể.

Đối với cây đổ, bật gốc, theo ông Võ Nguyên Phong, các đơn vị sẽ cắt tỉa cành, dựng lên hoặc mang về nơi dâm ủ, dùng thuốc kích rễ cây để phục hồi. Đặc biệt, những cây quý, cây cố thụ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ. Thực tế nhiều cây hoa đẹp nhưng lại giòn, dễ đổ gãy như cây bằng lăng, phượng, muồng. Những cây này cũng có thể mang về dâm ủ khôi phục và sẽ tận dụng tối đa để đưa vào trồng tại các công viên, vườn hoa vừa tạo cảnh quan đẹp và có bóng mát.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ cố gắng giữ tối đa cây xanh để trồng lại nhưng trên tinh thần các cây này phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn và an toàn.

Ông Nguyễn Đức Mạnh cho hay, mục tiêu trong năm 2024, khối lượng cây xanh được cắt sửa trên toàn địa bàn thành phố mà công ty được giao quản lý khoảng 90.000-100.000 cây nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy đổ trong mùa mưa bão.

Từ đầu năm đến nay, công ty tăng cường kiểm tra, khảo sát sớm, phát hiện kịp thời những cây xanh nguy hiểm để đưa vào kế hoạch chặt hạ, cắt sửa trước mùa mưa bão. Việc cắt sửa được ưu tiên đối với những cây nghiêng nguy hiểm, nặng tán, hạ độ cao các loại cây, như: Xà cừ, muồng, phượng... những cây có cành vươn, cành khô, vướng đèn chiếu sáng, tín hiệu giao thông, gỡ cây ký sinh…

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh Lại Thanh Hải cho biết, để hạn chế cây gãy, đổ, nghiêng, cắt tỉa là giải pháp quan trọng trong việc chăm sóc và duy trì cây xanh. Ngoài ra, ngay từ khi trồng cây, cần tạo hố đủ lớn, đủ sâu và bổ sung đất màu để bảo đảm cân đối về khả năng lèn giữ, tạo không gian và đáp ứng dinh dưỡng cho bộ rễ phát triển. Nếu trước đây, hố đào chỉ gấp 2-3 lần thì nay phải đào gấp 4-5 lần bầu cây rồi đổ đất màu để bảo đảm tạo khoảng mềm và dinh dưỡng cho rễ cây ăn ra, phát triển.

Đưa ra ý kiến về giải pháp trồng lại cây xanh gãy đổ ở Hà Nội sau bão số 3, ông Lê Huy Cường, chuyên gia cây xanh thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam cho biết, việc trồng lại cây gãy đổ không khó, nhưng để bảo đảm an toàn, đặc biệt với những cây cổ thụ, cần được cắt tỉa chăm sóc lại trước khi trồng lại. Trước khi trồng lại phải quy hoạch diện tích trồng, bảo đảm cây có không gian để phát triển hệ rễ, chọn đúng chủng loại cây trồng và có kế hoạch chăm sóc hợp lý.

Chuyên gia Lê Huy Cường lưu ý, nên trồng loài cây nào để phù hợp hơn và giảm thiểu những nguy cơ gây nguy hiểm trong đô thị, trường học, trước khi trồng cây cần phải tham vấn ý kiến chuyên gia, đơn vị có chuyên môn. Việc trồng cây cần tổ chức khảo sát kỹ, bởi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như đất đai, diện tích, khoảng không gian của từng địa điểm mới bố trí, chọn cây.

Câu chuyện của Hà Nội sau cơn bão số 3 khiến nhiều người liên tưởng đến những gì mà Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) từng trải qua khi cơn bão số 5 (tháng 9/2020) đi qua. Sau trận bão ấy, hơn 15.000 cây xanh, trong đó có cả nghìn cây cổ thụ bị bật gốc, ngã xuống đường phố. Gánh nặng xử lý số cây xanh đã đặt lên vai chính quyền Thành phố Huế. Tuy nhiên, thay vì loại bỏ, chính quyền đã quyết định chọn phương án sẽ dựng lại những cây xanh còn có khả năng cứu sống được. Những cây xanh này sau đó đã được chăm sóc và phát triển tốt.

Thời điểm đó, Trung tâm Công viên cây xanh Huế áp dụng phương án cắt tỉa cành, sử dụng thuốc kích rễ, sau đó di dời cây xà cừ đến trồng cách vị trí cũ khoảng vài chục mét. Đại diện Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, nhờ việc cắt tỉa cành, trồng lại và gia cố thêm các cột chống mà qua các đợt mưa bão, hàng loạt cây xanh bị thiệt hại năm 2020 đến nay phát triển tốt và đứng vững.

Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, đơn vị thường xuyên tiến hành khảo sát hệ thống cây xanh cao to, cành tán vươn xa để có kế hoạch cắt tỉa, hạ thấp. Đồng thời, kiểm kê những cây già, mục, trồi rễ, đề xuất phương án chặt hạ, bảo đảm an toàn. Trước khi diễn ra "siêu bão" ở phía Bắc, nhiều công nhân, máy móc của Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã tiến hành rà soát, cắt tỉa cành cây giúp cây đứng vững sau những trận bão.

Thành phố Huế là một thành phố với rất nhiều cây xanh, có nhiều cây cổ thụ với kích thước lớn, nhánh cây rộng, khiến việc cắt tỉa nhành cây cũng tương đối khó khăn. Tuy nhiên, cứ trước mùa mưa bão, từ tháng 7, Trung tâm đã huy động nhân lực và phương tiện tiến hành cắt tỉa cây, hạ độ cao, tạo thông thoáng, độ nhẹ cho cây.

Việc cắt tỉa được chủ động hơn về thời gian và triển khai từ sớm nên đến cho đến thời điểm hiện tại đã đạt khoảng 90% tiến độ. Hằng năm, các nhân viên của trung tâm tiến hành cắt tỉa cành cho khoảng 4.500 - 5.000 cây, quá trình thực hiện luôn chú trọng đến thẩm mỹ, đặc biệt bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong quá trình xử lý. Hiện Trung tâm Công viên cây xanh Huế đang quản lý khoảng 64.000 cây xanh các loại, trong đó hàng trăm cây cổ thụ có giá trị cao, cần được bảo tồn, như bằng lăng, phượng vàng, phượng đỏ, muối, long não.

Rút ra bài học từ bão số 3, Công ty Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội kiến nghị, các chủ đầu tư dự án thực hiện thi công hạ ngầm, cải tạo hè, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường, phố phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, phương án thiết kế không để nổi rễ, nổi bầu, chặt rễ cây; có biện pháp gia cố, bảo vệ cây xanh, trong quá trình thi công không làm cây bị nổi bầu, bật gốc, nghiêng, đổ.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh trong việc phát hiện các trường hợp cây nguy hiểm, xử lý sự cố cây xanh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội kịp thời, chính xác để bảo vệ tối đa cây xanh, bảo vệ tài sản quý giá của Thủ đô Hà Nội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp ‘hồi sinh’ những cây xanh gẫy đổ sau ‘siêu bão’ số 3 Yagi