Giải pháp nào phòng chống đuối nước cho trẻ vùng cao?

12/08/2023, 08:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước mối nguy cơ đuối nước tiềm ẩn do có hệ thống sông, suối, hồ dày đặc, Lai Châu tổ chức linh hoạt các mô hình truyền dạy kỹ năng cho trẻ.

Bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống

Bản Lang là một trong những xã có đông trẻ em của huyện Phong Thổ với hơn 2 nghìn em. Đây cũng là địa phương hàng năm vẫn có trẻ em bị đuối nước. Vì vậy, ngay khi tiếp nhận học sinh từ nhà trường chuyển về sinh hoạt tại các bản, lực lượng đoàn viên thanh niên xã, bản đã tổ chức hàng loạt hoạt động thu hút đông đảo trẻ em tham gia.

Nội dung chuyên sâu và nổi bật là tổ chức truyền thông về phòng, chống đuối nước. Trong hoạt động này, cán bộ Đoàn sử dụng máy chiếu, các hình ảnh minh họa sinh động, giới thiệu cho các em về tình trạng đuối nước, mức độ nguy hiểm của đuối nước đối với sức khỏe con người và các biện pháp phòng, chống. Đặc biệt, cán bộ Đoàn còn hướng dẫn các em kỹ thuật mặc áo phao, dạy kỹ thuật đứng nước, bơi ếch, bơi ngửa ngay tại bể bơi.

Tại buổi sinh hoạt hè, do Đoàn Thanh niên xã Bản Lang tổ chức cho các em nhỏ ở bản Nà Vàng, trẻ em được thỏa sức tham gia vào các trò chơi dân gian, sau đó cùng liên hoan ăn bánh kẹo. Các em cũng đã được nghe truyền thông và thực hành về các biện pháp phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích.

Anh Giàng A Phong, Bí thư Đoàn xã Bản Lang chia sẻ: “Địa bàn xã có rất nhiều suối. Có dòng suối chảy xiết và nhiều vũng nước sâu, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ. Đoàn Thanh niên đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã tổ chức các lớp tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, dạy bơi cho trẻ em đồng thời, hướng dẫn kỹ năng xử lý khi bị đuối nước cho trẻ em và phụ huynh”.

Theo Bí thư Đoàn xã Bản Lang, các em trong độ tuổi rất hiếu động, bản tính thích tìm hiểu, khám phá nên khi tổ chức sinh hoạt hè cho các em, đơn vị đã cố gắng lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp. Nội dung truyền thông về phòng, chống đuối nước được tổ chức linh hoạt, tạo môi trường cho các em được giao lưu, học hỏi, vui chơi, giải trí bổ ích.

Em Hồ Anh Thư ở bản Nà Vàng phấn khởi cho biết: “Tham gia sinh hoạt hè em thích nhất khi được tham gia vào các trò chơi như: Kéo co, bịt mắt bắt dê, tung bóng… Cùng đó, chúng em được các anh chị hướng dẫn về cách phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích. Đây là những hành trang bổ ích để chúng em tự bảo vệ mình”.

Được các cán bộ Đoàn tuyên truyền, hướng dẫn về biện pháp phòng, chống đuối nước, Dì Văn Thương (14 tuổi) ở bản Nà Vàng đã hiểu được nguy cơ tiềm ẩn khi tắm nơi sông, suối. Thương cho biết: “Em biết kỹ năng xử lý tình huống khi gặp người không may bị đuối nước. Em đã chia sẻ cho các bạn trong bản những kiến thức này và vận động các bạn không ra khu vực sông, suối, ao, hồ sâu tắm. Không lội qua sông, suối, nhất là vào thời điểm mùa mưa, nước lũ chảy xiết”.

“Các địa phương khác trong huyện Phong Thổ đang đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện Phong Thổ chưa xảy ra vụ đuối nước ở trẻ nào” - bà Mai Thị Hồng Sim bày tỏ sự lạc quan.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-nao-phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-vung-cao-post649936.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-nao-phong-chong-duoi-nuoc-cho-tre-vung-cao-post649936.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào phòng chống đuối nước cho trẻ vùng cao?