Giải quyết từ gốc

04/07/2023, 13:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau kỳ thi vào lớp 10, khoảng thời gian chờ đợi điểm thi, điểm chuẩn có vô vàn cảm xúc với học sinh và các bậc cha mẹ.

Đạt nguyện vọng thì hạnh phúc vỡ òa; không đạt như rơi xuống đáy của sự thất vọng, buồn nản, hoang mang.

Mấy ngày nay, câu chuyện đỗ, trượt vào lớp 10 tại Hà Nội nóng rẫy trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Đây là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm lớn nhất cả nước. Kỳ tuyển sinh cho năm học 2023 - 2024, Hà Nội có gần 105 nghìn thí sinh dự thi; trong đó suất vào trường công lập chưa đến 60%. Khoảng 40% còn lại sẽ tiếp tục học tập tại các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề…

Như vậy, không đạt nguyện vọng trường công không đồng nghĩa với kết thúc sự nghiệp học tập. Chỉ là các em chuyển sang một ngã rẽ, cách đi khác và đều dẫn đến đích chung là trường đại học như mong muốn của đa số học sinh. Dù biết rõ như thế, nhưng sự khủng hoảng vẫn diễn ra, có lẽ ở hầu hết gia đình có con thi trượt nguyện vọng 1.

Nhiều người học kém may mắn đã chịu tổn thương sâu sắc, không chỉ vì thi trượt, mà bởi thái độ của chính cha mẹ. Năm 2021, một bà mẹ giận dữ dọa đánh và bắt con gái quỳ ngay tại trường vì điểm thi không đủ vào trường công lẫn tư. Năm 2022, cộng đồng mạng truyền nhau thông điệp tìm người nhà của gia đình ở Hà Nội, trong đó ghi một học sinh do kết quả thi vào lớp 10 không tốt đã bỏ nhà đi.

Câu chuyện đầy xúc cảm, được chia sẻ rộng rãi nhất có lẽ là của Đỗ Việt Anh, nguyên học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Trong chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, Việt Anh đã kể lại cú vấp đầu đời đau đớn nhất và hành trình tìm lại bản thân sau khi thi trượt trường THPT công lập.

Là lớp trưởng suốt 9 năm học THCS, thành tích học tập tốt, nhưng Việt Anh là học sinh duy nhất trong lớp bị trượt. Nỗi đau nhân lên với cậu học trò khi bố mất hoàn toàn niềm tin vào mình, yêu cầu “nên kiếm một công việc gì đó để làm”, vì “học nữa cũng chả làm được gì đâu”. Cuối cùng, sau gần 1 năm học ở trường ngoài công lập, với sự thấu hiểu, đồng hành của thầy cô, Việt Anh đã vượt qua mặc cảm, tự ti và tìm lại chính mình.

Ngoài nguyên nhân chủ quan, sự kỳ vọng quá cao của các bậc làm cha mẹ, còn nhiều lý do khác khiến gia tăng sức nóng của kỳ thi vào lớp 10; trong đó có công tác phân luồng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học tập và nghề cho học sinh THCS vẫn hạn chế, bất cập.

Thực hiện hiệu quả công tác phân luồng giúp người học lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, đặc điểm tâm sinh lý, tạo cơ hội để học sinh tiếp tục học tập hiệu quả. Nhưng làm được điều này, theo các chuyên gia, không chỉ đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội, người dân, bản thân học sinh và phụ huynh về nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; còn phải kết hợp giữa các giải pháp chính sách, can thiệp, điều tiết của Nhà nước…

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng tâm lý muốn con được học ở môi trường tốt nhất của các bậc cha mẹ là chính đáng. Do đó giải quyết vấn đề từ gốc có lẽ vẫn phải ở những quan tâm, chỉ đạo tầm vĩ mô, làm sao kéo gần khoảng cách giữa các trường. Chỉ khi thêm nhiều trường có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, đồng đều, ở cả khối công - tư - giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, mới có thể hạ nhiệt “cuộc chiến” vào lớp 10 căng thẳng như hiện nay.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết từ gốc