Giám sát thực hiện Chương trình mới tại trường học ở Sóc Trăng

Trường Tiến | 20/03/2023, 13:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đoàn giám sát của UBTVQH đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của Trường TH Vĩnh Hải 3 (Sóc Trăng) trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới.

Ngày 20/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, dẫn đầu làm việc với Trườn Tiểu học Vĩnh Hải 3 (Vĩnh Châu, Sóc Trăng).

Trường làng mong có phòng học mới

Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3 (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) được xây dựng từ năm 1996, tách từ Trường THCS Vĩnh Hải, sau đó tiếp tục sáp nhập TH Vĩnh Hải 5 và TH Vĩnh Hải 1. Hiện trường có 1 điểm chính tại ấp Âu Thọ A và 1 điểm lẻ tại ấp Âu Thọ B.

Tính đến năm học 2022-2023 toàn trường có 3 cán bộ quản lý, 47/48 giáo viên đều đạt trình độ chuẩn (đại học), đảm bảo định mức biên chế là 1,48 giáo viên/ lớp; còn thiếu 1 GV Tin học.

Ông Dương Sô Thol, Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Hải 3 cho biết: Các phòng học xuống cấp chưa được xây dựng mới, trang bị thiết bị dạy học còn chậm, thiết bị còn thiếu, trường đang sử dụng một phần thiết bị cũ. Việc khai thác, sử dụng, bảo quản các trang thiết bị dạy học của một số giáo viên còn chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết công năng của các thiết bị.

Nhà trường mong sớm có đề án xây dựng mới 20 phòng học, phòng bộ môn đầy đủ để đáp ứng thực hiện chương trình GDPT 2018, phục vụ vùng đồng bào dân tộc được tốt hơn và giúp trường được tái đạt chuẩn quốc gia.

Theo thống kê, Trường TH Vĩnh Hải 3 hiện có 33 phòng học/33 lớp đáp ứng được học 2 buổi/ngày 100% từ lớp 1 đến lớp 5. Trường vẫn còn thiếu các phòng học bộ môn, chỉ có 1 phòng tin học. Thiết bị giảng dạy cơ bản đảm bảo mức tối thiểu theo yêu cầu lớp 1 và lớp 2 mới, riêng thiết bị lớp 3 chưa được cấp, nhà trường đang trưng dụng thiết bị của CT 2006.

Giám sát thực hiện Chương trình mới tại trường học ở Sóc Trăng ảnh 1

Đại diện đoàn giám sát của UBTV Quốc hội trao đổi với học sinh.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình mới, nhà trường luôn linh hoạt chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới công tác quản lý, sử dụng sách giáo khoa và thiết bị dạy học hiệu quả; Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, thực hiện bồi dưỡng chuyên môn để GV có đủ năng lực đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc.

Tuy nhiên, việc triển khai bước đầu cũng gặp một số khó khăn, do địa bàn Vĩnh Hải là vùng đông đồng bào dân tộc. Việc tiếp cận theo yêu cầu chương trình đối với học sinh dân tộc còn nhiều hạn chế. Một số giáo viên, nhất là những giáo viên lớn tuổi, yếu công nghệ thông tin, ít nghiên cứu kỹ chương trình đổi mới nên lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Nhiều khởi sắc trong đổi mới

Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đại đa số học sinh là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình đi làm ăn xa để con ở nhà cùng ông bà, thế nhưng nhờ giáo viên nỗ lực vượt khó, kèm cặp học sinh mà sau thời gian đổi mới, ngành giáo dục địa phương đã có nhiều khởi sắc.

Cô Thạch Thị Mến, Tổ trưởng chuyên môn khối lớp 1 của Trường TH Vĩnh Hải 3 khá tâm đắc với quyền tự chủ của giáo viên khi thực hiện chương trình mới. "Giáo viên chủ động linh hoạt và sáng tạo giảng dạy tích cực hơn. Các em học sinh cũng mạnh dạn hơn, tích cực hơn và thích thú vui học nhiều hơn nên chất lượng giáo dục ngày càng được đảm bảo", cô Mến chia sẻ.

Giám sát thực hiện Chương trình mới tại trường học ở Sóc Trăng ảnh 2
Học sinh Trường TH Vĩnh Hải 3 trong giờ học.

Đại diện Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu cho biết: Trường TH Vĩnh Hải 3 là ngôi trường đầu tiên dạy 2 buổi/ngày và làm tốt công tác xã hội hoá trên địa bàn thị xã. Do đặc thù vùng đồng bào dân tộc nên việc triển khai thực hiện chương trình đổi mới giáo dục vẫn còn chậm.

Ban đầu thực hiện chương trình mới phụ huynh học sinh chưa nhận thức rõ ràng về đổi mới. Do đó trong những năm học qua, thực hiện chương trình và SGK mới, Phòng luôn sát sao, nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt chú ý công tác tuyên truyền và tạo sự đồng thuận từ phụ huynh, xã hội... Nhờ vậy, ngành GD huyện có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm học qua.

Qua buổi làm việc tại trường, bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, thay mặt đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của thầy cô giáo cùng ngành GD thị xã Vĩnh Châu. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, là vùng đồng bào dân tộc, người dân còn nhiều khó khăn, nhưng thầy cô giáo đã hết sức cố gắng vượt qua và bước đầu thực hiện thành công chương trình mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám sát thực hiện Chương trình mới tại trường học ở Sóc Trăng