Thời sự

Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tổ chức để hạn chế thâu tóm ngân hàng

PV 15/01/2024 15:29

Để hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tổ chức xuống 10%.

Sáng nay, ngày 15/1, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khoá XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Theo đó, một trong bốn nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này là dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo dự thảo Luật sau chỉnh lý, tiếp thu, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Cổ đông sáng lập phải giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ ngân hàng trong 5 năm từ ngày nhà băng được thành lập. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng nhưng Chính phủ sẽ quy định mức sở hữu tối đa và điều kiện mua.

Quy định về tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng lần này được giữ nguyên như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 11/2023. Tuy nhiên, thảo luận trước đó có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần với tổ chức xuống 10% bởi có thể gây xáo trộn không cần thiết, thậm chí tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng. "Việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng", Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm.

Cùng đó, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025.

Từng nêu ý kiền vào tháng 11/2023, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh, cho rằng tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi. Tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp "ma" để vay vốn. Xác định được ông chủ thực mới ngăn chặn, xử lý được sở hữu chéo, thao túng trong ngân hàng.

ngan-hang-scb.jpg
Nhờ sở hữu chéo, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã rút hơn một triệu tỷ đồng khỏi SCB

Theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2023 có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, một công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại báo cáo giải trình, tiếp thu cho biết dự thảo Luật lần này đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, từ 1/1/2025 (thời điểm Luật này có hiệu lực) cổ đông vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần được duy trì nhưng không tăng thêm, trừ trường hợp họ nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Sau chỉnh lý, tiếp thu dự Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có 15 chương và 210 điều. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Luật này vào chiều 15/1.

Kỳ họp bất thường lần này dự kiến diễn ra trong 3 ngày theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tổ chức để hạn chế thâu tóm ngân hàng