Công nghệ mang lại cơ hội học tập và giáo dục trên toàn thế giới. Song, các quốc gia cần nguồn lực và cam kết để đạt được điều đó. Hiện, khả năng truy cập Internet vẫn chưa được phủ sóng trên toàn thế giới. Ở những quốc gia nghèo nhất, cứ 10 người thì có một người có thể truy cập Internet. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia đang phát triển, chưa đến 10% trường học được kết nối Internet.
Khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trên toàn cầu không bình đẳng. Không phải lúc nào mọi người cũng có kiến thức hoặc kỹ năng cần thiết để tận dụng lợi thế của công nghệ.
Mặc dù thực tế là, công nghệ di động hiện đã đến được ngay cả những cộng đồng nghèo nhất trên thế giới, nhưng khoảng cách về kỹ năng vẫn tồn tại. Việc sử dụng công nghệ hiện tại trong giáo dục thường tập trung quá mức vào các kỹ năng không cần thiết để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong một báo cáo, Liên minh Kinh doanh Toàn cầu về Giáo dục cảnh báo, khoảng cách về kỹ năng có thể sẽ ngày một lớn. Ngay cả khi công nghệ luôn “sẵn sàng” và mọi người có các kỹ năng đọc viết điện tử cần thiết, không có gì đảm bảo rằng, chỉ công nghệ có thể tạo ra một môi trường học tập chất lượng. Nghiên cứu cho thấy rằng, “học tập kết hợp” sẽ mang lại nhiều thành công hơn. Phương pháp này giúp học sinh trải nghiệm sự kết hợp giữa giáo dục trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời chỉ ra rằng, không phải tất cả trẻ em đều học theo cùng một cách.
Công nghệ và giáo dục trong trường hợp khẩn cấp
Công nghệ có thể cung cấp giáo dục ở những nơi khác ngoài lớp học truyền thống - đặc biệt là trong các trường hợp khẩn cấp như xung đột hoặc thiên tai. Trong các tình huống khủng hoảng, nhu cầu về giáo dục vượt xa nguồn cung cấp về cơ sở hạ tầng, giáo viên, tài liệu và các nguồn lực khác.
Trong một báo cáo của tổ chức cộng đồng vì trẻ em Theirworld và Liên minh Kinh doanh Toàn cầu về Giáo dục, họ đã xem xét kỹ lưỡng tiềm năng của công nghệ trong việc cung cấp giáo dục cho người tị nạn Syria. Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị, bao gồm: Xem công nghệ như một công cụ thay vì giải pháp; Hỗ trợ nhiều phương pháp để bổ sung khả năng tiếp cận công nghệ trong giáo dục; Tăng khả năng truy cập
Internet và các thiết bị công nghệ; Tăng cường điều phối và giám sát cũng như đánh giá các chương trình; Đảm bảo sự uy tín của các chương trình giáo dục thông qua kiểm định; Làm việc với chính sách và những hạn chế kinh tế của thị trường lao động nước sở tại; Ưu tiên phát triển nguồn mở và nội dung do người dùng tạo.
Báo cáo nhấn mạnh thêm: “Một cơ hội rõ ràng cho các doanh nhân, những người tiên phong và lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ để kết hợp nỗ lực của họ và “mô hình nguồn”. Đó không chỉ là công nghệ, mà là sự kết hợp, chia sẻ chuyên môn và rủi ro. Sự hợp tác mới giữa các nền tảng, sản phẩm, công nghệ và chuyên gia công nghệ có thể thúc đẩy sự đổi mới và khả năng tiếp cận. Từ đó, dẫn đến những cách suy nghĩ hoàn toàn mới về việc học trong những bối cảnh khó khăn nhất”.
Ngoài ra, không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong giáo dục từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cách đây hơn một năm, việc làm quen với phương pháp dạy và học trực tuyến còn nhiều bỡ ngỡ. Song, hiện tại, sau nhiều lần phải tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19, cả học sinh, sinh viên lẫn giáo viên cũng như phụ huynh trên khắp thế giới đã dần thích nghi với mô hình giáo dục thời dịch bệnh này. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, việc dạy và học trực tuyến có thể coi là “cứu cánh” để đảm bảo quyền được giáo dục. Nhiều nước đã ứng dụng giải pháp công nghệ, nhằm đảm bảo việc triển khai hoạt động dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả.
Công nghệ và giáo dục hòa nhập
Công nghệ có thể mang lại cho trẻ em khuyết tật - những người có nhiều khả năng bỏ học hơn bất kỳ ai khác, cơ hội học tập mới. Sử dụng ICT, giáo viên có thể điều chỉnh các bài giảng của mình. Đồng thời, trình bày thông tin ở các định dạng dễ tiếp cận phù hợp nhất với nhu cầu của từng người học. Khi đó, mọi học sinh đều có thể tham gia giáo dục bình đẳng. Ví dụ, đối với học sinh khiếm khuyết về khả năng nói, ngôn ngữ và giao tiếp, văn bản có thể được hỗ trợ bằng các ký hiệu. Đồng thời, sử dụng hệ thống dựa trên hình ảnh hoặc ứng dụng văn bản/hình ảnh thành giọng nói.
Những người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu có thể dùng video, được ghi lại và phát trực tiếp. Sách giáo khoa điện tử có thể được sản xuất theo yêu cầu bằng chữ nổi, in khổ lớn hoặc giọng nói. Tài liệu chương trình giảng dạy có thể được tạo ra dưới định dạng âm thanh và có các tùy chọn cho lệnh thoại hoặc lệnh chuyển lời nói thành văn bản. Nhờ đó, giúp những người có trình độ đọc viết và/hoặc khó khăn về thể chất sử dụng thiết bị cũng như thể hiện bản thân dễ dàng hơn.