Với quy trình dạy học như vậy, ChatGPT không thể làm được việc tạo hứng thú, truyền cảm hứng học tập. Nó cũng hạn chế trong việc gợi ý cho học sinh đi đến những câu hỏi thông minh; không thể thiết kế hoạt động giúp học sinh ứng dụng tri thức đã học vào thực tiễn. ChatGPT cũng không phân tích được tại sao trong bối cảnh văn hóa này thì tri thức đó phù hợp, trong bối cảnh văn hóa khác thì tri thức lại không phù hợp ngoài việc đưa ra những kết luận chung.
Còn với người học lớn tuổi, đã có định hướng rõ ràng, có động cơ học tập, kế hoạch, sự sẵn sàng học tập và chút kinh nghiệm thực tiễn có thể tìm ra những câu hỏi thông minh để học hỏi. Nhưng học để thực hành, thực nghiệp không thể chỉ đặt câu hỏi, chờ vài giây và copy rồi paste kết quả là xong được. Học để hình thành năng lực phải thông qua trải nghiệm thực tế, tự mình thực hành thao tác cụ thể. Phải học qua quan sát người khác thao tác, suy ngẫm, đối chiếu với các trải nghiệm của bản thân. Học qua việc thử nghiệm những ý tưởng mới, phân tích sai lầm và thất bại để đưa ra phương án giải quyết vấn đề. Nó hoàn toàn vượt qua những gì mà ChatGPT có thể làm.
Có thể nói, ChatGPT sẽ không thể thay thế phẩm chất của người thầy như trí tuệ cảm xúc, sự đồng cảm, năng lực truyền cảm hứng, khả năng ra quyết định có đạo đức - những phẩm chất quan trọng để dạy người và giúp học trò trở thành những nhân cách xuất sắc. ChatGPT sẽ không thay thế được giáo viên hiện đại, những người dạy học theo cách tiếp cận dựa trên năng lực; dạy học bằng việc đưa ra những câu hỏi kích thích tư duy sáng tạo; coi trọng tư duy phản biện trong quá trình kiểm tra đánh giá hơn là trí nhớ. ChatGPT cũng hoàn toàn không tạo được cảm hứng học tập. Nó chỉ ra được các bước đi, kết quả, nhưng không thể hướng dẫn người học được cái quan trọng là những nhà khoa học đi trước đã tư duy như thế nào để giải quyết từng bước và đi đến kết quả cuối cùng.
ChatGPT đã tạo nên một hiện tượng trong lịch sử ngành công nghệ trên thế giới. Ảnh minh họa. |
Các ứng dụng AI sẽ còn thông minh hơn nữa và công cụ như ChatGPT trở thành món đồ chơi công nghệ hấp dẫn và độc đáo của mọi người, đó là xu thế không thể đảo ngược.
Để giải quyết những lo lắng, giáo viên có thể suy nghĩ về việc trao đổi thắng thắn với học sinh về vấn đề liêm chính trong học thuật. Hãy nói với sinh viên lý do tại sao chúng ta phải học viết, nghiên cứu trong khi ChatGPT có thể làm điều này. Vì đó là cách để chúng ta vượt qua AI, nếu không bạn sẽ biến mình thành nô lệ của chúng và sẽ có thể bị AI cướp hết công việc trong tương lai.
Giáo viên có thể điều chỉnh lại các chính sách trong quá trình học tập, trong đó nêu rõ chỉ cho phép sử dụng AI như một bản nháp đầu tiên để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không có đầu tư thích đáng thì không thể qua môn. Thống nhất với người học về các nội dung sử dụng AI phải được trích dẫn một cách trung thực.
Giáo viên cũng có thể thiết kế lại hoạt động đánh giá của mình và tập trung tiêu chí vào hoạt động tư duy bậc cao, cách giải quyết vấn đề sáng tạo, dự án học tập, bài thu hoạch phản ánh sự thay đổi nhận thức cá nhân và nhiệm vụ mà ChatGPT hay công cụ AI khác không thể hoàn thành.
Một trong những lý do khiến học sinh gian lận chính là chủ nghĩa thành tích, học vì điểm số và điểm kém có nghĩa là thất bại. Nhưng trên thực tế, chúng ta thường học được nhiều điều từ thất bại hơn là thành công. ChatGPT cũng đang học từ những thất bại (câu trả lời lỗi của mình) để hoàn thiện hơn. Vì thế, đừng đánh giá thất bại của học sinh như một kết quả cuối cùng. Hãy khuyến khích học sinh chấp nhận rủi ro, thất bại và học hỏi từ chính thất bại của mình.
Thầy cô cũng có thể giao các nhiệm vụ tìm hiểu ứng dụng ChatGPT cho học sinh. Giúp trò hiểu được những điều khoản, nguy cơ và hạn chế về thiên lệch kiến thức. Có thể giao nhiệm vụ cho học sinh bậc trung học phân tích và chấm điểm cho chính văn bản mà ChatGPT tạo ra, xác định xem điều gì là hữu ích nhất cho việc học của họ và những gì có thể là thông tin nghi ngờ.
Biến ChatGPT thành gia sư số bằng cách giao nhiệm vụ cho học sinh yêu cầu ChatGPT giải thích một khái niệm rồi phân tích sự khác biệt trong cách công cụ này sử dụng ngôn ngữ để diễn giải khái niệm. Hoặc có thể giao nhiệm vụ tìm kiếm trên Internet xem nguồn gốc các văn bản được ChatGPT sử dụng xem nó có độ tin cậy hay không.
Mỗi giáo viên hãy tận dụng sức mạnh của ChatGPT để giảm tải công việc văn bản hành chính ít quan trọng và mang tính lặp lại. Hãy thử trải nghiệm sử dụng
ChatGPT để soạn bản nháp đầu tiên cho đề cương học phần, viết chính sách, nội quy cho một khóa học, dự thảo mục tiêu học tập, thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, hay soạn các biểu mẫu đánh giá… trước khi thầy cô hoàn thiện.
ChatGPT có thể hỗ trợ thầy cô trong công tác giáo viên chủ nhiệm bằng cách khởi thảo những bản nháp email cá nhân hóa về từng học trò; tư vấn chung về chiến lược học tập hay vấn đề tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, hướng dẫn vệ sinh, sức khỏe tinh thần. Hiểu đúng, sử dụng đúng, ChatGPT sẽ là cộng sự tốt của các giáo viên, giúp giảm tải áp lực công việc, hỗ trợ sự sáng tạo và tư duy của người thầy, từ đó gia tăng hiệu quả của công tác giáo dục.
* PGS.TS Trần Thành Nam hiện là Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.