Đại học số là sử dụng công nghệ số trong quản trị, vận hành và đào tạo. Tạm gọi đại học số là mô hình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra của đại học truyền thống nhưng sử dụng chủ yếu bằng công nghệ số. Công nghệ này có thể hiểu là triển khai trên nền tảng Internet, không nhất thiết phải triển khai tại địa điểm lớp học. Cái gì máy móc có thể kiểm soát và phục vụ được, thì không nhất thiết phải sử dựng đến sức người. Hiểu một cách đơn giản là, đây là mô hình đại học có thể triển khai được trên không gian mạng.
Về nguyên tắc, đại học số phải là mô hình hoàn toàn mới. Mới từ kiến thức quản lý Nhà nước, tổ chức đào tạo cho đến kiểm soát chất lượng, văn bằng. Thực hành có thể triển khai trên phòng lab ảo. Tuy nhiên, đại học số khác với học online. Trong đại học số, mọi bài giảng truyền thống cũng như bài giảng online của các thế hệ giảng viên, môn học… đều được đưa lên hệ sinh thái số, để sinh viên có thể lựa chọn học bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào.
Lúc này, khoảng cách về địa lý, không gian và thời gian sẽ không còn. Giảng viên trong đại học số phải thay đổi hoàn toàn tư duy cũng như phương pháp giảng dạy, thay đổi cách truyền đạt kiến thức, kỹ năng để thu hút người học.
Đại học số so với đại học truyền thống cũng giống như taxi công nghệ và taxi truyền thống. Đại học số chạy trên nền tảng số và tận dụng được ưu thế của công nghệ số. Vấn đề của đại học số là kiểm soát chất lượng để yên tâm công nhận về mặt pháp lý. Ngoài các yêu cầu bảo đảm chất lượng, xây dựng hệ thống, chính sách vận hành, việc công nhận tín chỉ giữa các cơ sở tham gia hệ thống cũng như từ các khóa học trực tuyến mở của trường nổi tiếng cần tính đến.
Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các trường đại học hàng đầu Việt Nam đang tiến đến đại học số.
Hiện nay, phương pháp dạy học truyền thống là thầy – trò trực tiếp lên lớp giảng dạy và học tập (Face-to-Face). Còn phương pháp dạy học hiện đại là tăng cường Face-to-digital resources (Trò - tài nguyên số (máy, online…). Đại học số (Digital university) nhấn mạnh việc tạo tài nguyên số (digital resources) và cách thức tương tác Face-to-digital resources.
Về việc tạo ra tài nguyên số, nếu làm đúng sẽ có nhiều mặt tích cực, nhưng không nên làm theo “phong trào”. Để có được tài nguyên tốt sẽ tốn nhiều công sức. Ví dụ, Khoa Mạng máy tính và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vừa xây dựng hệ thống thí nghiệm ảo Vlab. Hệ thống này có thể thiết lập khoảng 600 máy ảo cho sinh viên tương tác, thực hành, diễn tập. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, cần nhiều công sức để xây dựng kịch bản, kể cả nội dung và cách thức tương tác; từ đó mới có thể đạt được điều mong muốn.
“Cái khó nhất đối với đại học số là vấn đề trải nghiệm thực tế. Sinh viên vẫn cần đến trường để giao tiếp, va chạm với môi trường xã hội. Vì là mô hình mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên cần tìm hiểu, quan sát và tham khảo ở một số nước để dần hình thành mô hình đại học số trong nước” - TS Lê Trường Tùng nhìn nhận.