Giáo dục Hà Nội phải tiên phong về hợp tác quốc tế

Vân Anh | 16/08/2022, 14:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra nhiều vấn đề ngành Giáo dục Hà Nội đang gặp phải và một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, với vai trò, vị thế của mình, Giáo dục Hà Nội phải tiên phong, đột phá về hợp tác quốc tế, trong đó phải có cạnh tranh về giáo dục, quan tâm tạo điều kiện cho các chương trình hợp tác quốc tế giáo dục. Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm về chính sách, mô hình mới.

Thứ hai, cần mạnh dạn tham mưu đề xuất cách thức, cơ chế, chính sách, cơ chế quản lý mới về giáo dục để tạo điều kiện cho các nhà trường phát triển.

Thứ ba, tiếp tục quan tâm đến giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà. Bởi Hà Nội như một nước Việt Nam thu nhỏ đảo với hơn 10 triệu dân, có đô thị hiện đại, có vùng xa trung tâm, có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có miền núi, có xã đảo. Vì quy mô giáo dục lớn nên chất lượng giáo dục còn chênh lệch ở nhiều địa phương.

Nhấn mạnh việc chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong đề xuất: Sau khai giảng năm học mới, Hà Nội sẽ có kế hoạch làm việc và đánh giá thẳng thắn đối với từng quận, huyện về công tác giáo dục. Đây là cơ hội đổi mới cho giáo dục từng địa phương, là dịp nhận diện để đưa ra các giải pháp phát triển giáo dục.

Giáo dục Hà Nội phải tiên phong, đột phá về hợp tác quốc tế ảnh 2
Năm học 2021-2022, Hà Nội kết nạp được 5 đảng viên là học sinh

Quan tâm kết nạp Đảng cho học sinh phổ thông

Một trong những yêu cầu mà Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cho ngành GD-ĐT là tăng cường công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là học sinh trong các trường THPT. Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, là Đảng bộ lớn nhất cả nước nhưng từ năm 2003 đến nay, tức đã gần 20 năm, Hà Nội mới kết nạp được 5 học sinh vào Đảng.

Lấy số liệu từ Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong cho biết: Trung bình 1 năm có khoảng 400 học sinh THPT là đảng viên của các tỉnh nhập học tại Hà Nội. Tại Hà Tĩnh năm học vừa qua có hơn 500 học sinh được kết nạp Đảng, cao nhất từ trước đến nay. Vấn đề đặt ra là tại sao có quá ít học sinh Hà Nội được kết nạp Đảng?

Có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến các quận huyện, đến các nhà trường chưa thực sự coi trọng công việc này. Thứ hai là tâm lý cầu toàn của các nhà trường, cho rằng mới 18 tuổi thì nhiệm vụ chính của học sinh chỉ là học tập. Đây là những nhận thức chưa đầy đủ bởi vào Đảng là để tiếp tục được rèn luyện ở một tầm cao hơn, phải có sự nỗ lực cố gắng cao hơn.

Ông Phong cho rằng các nhà trường không nên không đặt yêu cầu quá cao để kết nạp Đảng viên là học sinh như phải có giải quốc gia, giải quốc tế, hoặc có thành tích học tập xuất sắc. Nếu các em có nguyện vọng chính đáng, có động cơ vào Đảng đúng đắn, có uy tín, lan tỏa, có tính gương mẫu so với mặt bằng chung thì cần quan tâm kết nạp.

"Sắp tới thành phố có hướng dẫn cụ thể về việc kết nạp Đảng cho học sinh. Thành ủy sẽ làm việc với Ban tổ chức các quận huyện, trên cơ sở đó, các quận huyện sẽ làm việc với cấp ủy của các Trường THPT trên địa bàn để quan tâm hơn nữa đến công việc này. Đây là việc quan trọng, vì đào tạo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là trách nhiệm vô cùng quan trọng, rất vẻ vang của ngành giáo dục"- ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-ha-noi-phai-tien-phong-dot-pha-ve-hop-tac-quoc-te-post604504.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-ha-noi-phai-tien-phong-dot-pha-ve-hop-tac-quoc-te-post604504.html
Bài liên quan
Trường ĐH Mở Hà Nội ký kết hợp tác với 35 doanh nghiệp, tập đoàn lớn
Ngày 13/8, Trường ĐH Mở Hà Nội ký kết hợp tác với 35 doanh nghiệp, tập đoàn lớn về việc cung ứng, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, sau đại học và hợp tác tổ chức các hoạt động đào tạo, kiến tập, thực tập cho sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục Hà Nội phải tiên phong về hợp tác quốc tế