“Do địa bàn rộng phân tán, phụ huynh gửi con sớm, đón muộn nên tôi luôn động viên các cô gắng sức để hoàn thành trách nhiệm người giáo viên, thực đúng nghĩa là mẹ hiền của các con”, cô Hà Thị Thương Huyền nói.
Cô giáo Nông Thị Liễu dạy lớp 4 - 5 tuổi điểm trường Khe Tiến, nhà cách điểm trường 20 km. Ngày ngày không kể nắng mưa giá rét, đúng 6 giờ sáng, cô Liễu đã phải rời nhà đến trường. Cô Liễu chia sẻ: Điểm trường có tôi và 1 đồng nghiệp cùng dạy 1 lớp ghép 4 - 5 tuổi với 45 trẻ. Là điểm trường nên vô vàn khó khăn, nhưng đó chỉ là khách quan nên giáo viên tự động viên nhau nỗ lực vượt qua. Dù vất vả nhưng việc nuôi dạy trẻ luôn bảo đảm chất lượng, nhất là với trẻ 5 tuổi. Cuối năm học, các con có đủ năng lực vào lớp 1.
Rào cản và thách thức
Theo thống kê của Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT, số trường vùng khó khăn và ĐBKK chiếm tỷ lệ 23% tổng số trường mầm non toàn quốc. Các trường này chủ yếu nằm ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo. Năm 2021, báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, GDMN vùng khó khăn có chất lượng còn thấp. Tỷ lệ phòng học kiên cố vùng khó khăn và ĐBKK khoảng 61%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi vùng khó khăn và ĐBKK còn cao so với vùng thuận lợi. Tỷ lệ chuyên cần thấp. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp, đặc biệt là lứa tuổi nhà trẻ.
Cũng theo Báo cáo trên, có hơn 75 nghìn giáo viên đang trực tiếp dạy trẻ vùng khó khăn, trong đó, có gần 38 nghìn giáo viên người Kinh (51%), giáo viên người dân tộc là hơn 37 nghìn người (49%). Giáo viên biết tiếng dân tộc chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Đội ngũ giáo viên vùng khó khăn và ĐBKK đạt tỷ lệ 0,66 giáo viên/lớp. Hiện còn thiếu trên 7 nghìn giáo viên mầm non của riêng vùng này. Đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn bị sẵn sàng về vốn ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số. Một bộ phận giáo viên chưa hiểu phong tục, tập quán, văn hóa địa phương để giao tiếp, chăm sóc, giáo dục trẻ nên hạn chế trong giao tiếp với trẻ và cộng đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy cho rằng: Có một thực tế đang diễn ra là những giáo viên mầm non ở vùng ĐBKK đang chịu áp lực về mặt thời gian. Thường các cô phải đến sớm và về muộn, thời gian kéo dài hơn 8 tiếng/ngày. Nhiều nơi, tại các điểm lẻ, chỉ có 1 giáo viên/lớp.
Giáo viên phải kiêm cả nhiệm vụ đón và trả trẻ tại nhà vì một số phụ huynh không có điều kiện đưa đón con em của họ. Chính vì vậy, giáo viên thiếu thời gian để xây dựng môi trường trong lớp học, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ. Bên cạnh đó, các vùng dân tộc thiểu số, miền núi do điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội không thuận lợi nên đội ngũ giáo viên thường không ổn định, thiếu giáo viên. Trong bối cảnh đó, nỗ lực của nhiều địa phương nhằm khắc phục những khó khăn đó là rất đáng ghi nhận.