Những năm gần đây, cơ sở vật chất trường học tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được xây dựng đồng bộ, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên.
Chiều 16/9, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình làm việc với UBND huyện Quảng Ninh về tình hình phát triển giáo dục trên địa bàn, đồng thời tăng cường sự phối hợp trong công tác quản lý đối với lĩnh vực GD&ĐT.
Hoàn thiện mạng lưới giáo dục
Tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, buổi làm việc là cơ hội nhìn nhận lại những điểm tốt, chưa tốt của giáo dục huyện Quảng Ninh. Từ đó, cùng nhau đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục vướng mắc, đưa ngành Giáo dục địa bàn phát triển hơn.
Những năm qua, mạng lưới giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Ninh tiếp tục được bố trí và điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân. Chất lượng giáo dục được nâng lên cả về đại trà lẫn mũi nhọn.
Tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh năm 2023-2024, huyện có 67 học sinh đạt giải (tăng 36 giải), có 5 môn thi đạt giải đồng đội; xếp thứ 4/8 phòng GD&ĐT toàn tỉnh; đạt giải Khuyến khích toàn đoàn (tăng 2 thứ hạng so với cùng kỳ năm trước).
Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh, các trường học chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng, cam kết chất lượng và thứ hạng trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.
Ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã có những bước phát triển, cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng, bộ mặt các trường học cơ bản đã khang trang, hiện đại.
Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 97,9% (tăng 7,9%), cụ thể: MN: 90,7% (tăng 7,8%); TH: 90,9% (tăng 2,2); THCS: 100%; TH&THCS: 100%.
Mạng lưới trường lớp đã được sắp xếp, sáp nhập theo hướng thu gọn đầu mối phù hợp với văn bản hướng dẫn và định hướng quy hoạch đã phê duyệt, tạo được sự đồng thuận của xã hội, đáp ứng nhu cầu đi học và quy mô phát triển học sinh.
Công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự quyết tâm của các địa phương với nhiều giải pháp đồng bộ.
Đến nay, toàn huyện có 36/47 đơn vị đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 76,6%, xếp thứ 3/8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục huyện Quảng Ninh tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng tăng tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục.
Khắc phục khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục huyện Quảng Ninh đang đối mặt với nhiều thách thức. Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Quảng Ninh đã chia sẻ về khó khăn và có những kiến nghị, đề xuất với Sở GD&ĐT.
Theo bà Phạm Thị Hiền, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quảng Ninh, một trong những bất cập mà huyện đang đối mặt chính là việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đa số các trường học, viên chức giữ hạng II đã quá 50%.
“Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức nếu căn cứ theo Công văn của Bộ Nội vụ thì số viên chức đang giữ hạng III sẽ không được thăng hạng lên hạng II do quá tỷ lệ, điều này tạo thiệt thòi cho viên chức”, bà Hiền cho hay.
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Ninh chia sẻ về tình trạng cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu giáo viên tổ hợp môn gây ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với Sở GD&ĐT Quảng Bình. Trong đó tập trung đề xuất công tác lên kế hoạch và những chuẩn bị đầu tư liên quan đến việc chuyển trường THPT Ninh Châu, THPT Nguyễn Hữu Cảnh đến địa điểm mới.
Ngoài ra, việc hỗ trợ xây dựng các công trình thiết yếu cho các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học; hỗ trợ tiền ăn, chi phí học tập cũng như miễn, giảm học phí cho trẻ ở độ tuổi nhà trẻ trong các trường mầm non thuộc xã miền núi…
Những kiến nghị, đề xuất được lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình tiếp thu và giải đáp trực tiếp tại hội nghị.
Phát biểu kết luận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình Đặng Ngọc Tuấn yêu cầu huyện Quảng Ninh tiếp tục khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, huy động trẻ, đội ngũ giáo viên; đánh giá, phân tích những tồn tại thời gian qua để đưa ra giải pháp phù hợp; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý; làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho người dân; triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018.
Đẩy mạnh các biện pháp giáo dục nhằm nâng cao an toàn trường học; chú trọng công tác đánh giá năng lực thực chất của giáo viên và học sinh; tăng cường giám sát hoạt động với nhóm trẻ tư thục; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong trường học.