Ngoài ra, thành công của Estonia phải kể đến sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ về tài chính. Hàng tháng, phụ huynh Estonia cho con cái một khoản tiền tiêu vặt nhất định. Họ cũng sẽ thảo luận với con cách chi tiêu hiệu quả, phù hợp với khả năng của bản thân.
Phía sau nhà trường là sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ. Họ đã và đang hỗ trợ giảng dạy về hiểu biết tài chính, tổ chức các buổi tọa đàm, thuyết trình trong đó khách mời là cố vấn tài chính của các doanh nghiệp. Điều này cho phép thanh, thiếu niên tìm hiểu về tài chính doanh nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lồng ghéptrong chương trình học
Theo sau Estonia là Phần Lan. Kết quả PISA cho thấy, khoảng 20% thanh, thiếu niên 15 tuổi ở Phần Lan có mức độ am hiểu về các lĩnh vực tài chính thành thạo vào năm 2018.
Hơn 70% học sinh được hỏi cho biết được dạy về tài chính từ giáo viên trong trường học. Họ cũng được phân công thực hiện một số công việc tài chính ở trường.
Học sinh tiểu học tại Phần Lan được hướng dẫn tìm hiểu về tài chính thông qua ứng dụng học tập Mini Zaldo. Trong đó, trẻ học các kỹ năng tài chính nhờ làm bài tập, trả lời câu hỏi về thói quen sử dụng tiền và tiêu dùng trong xã hội.
Học sinh đạt điểm cao nhất lớp sẽ được thưởng tiền. Cách các em sử dụng khoản tiền này cũng là một bài học về tài chính.
Tuy không có môn Giáo dục tài chính, giáo dục cơ bản tại Phần Lan có lớp học bắt buộc về kinh tế gia đình. Trong đó, quản lý chi tiêu trong gia đình là một phần nội dung quan trọng. Đây là môn tự chọn phổ biến nhất tại các trường trung học Phần Lan.
Giáo dục tài chính được Chính phủ Singapore lồng ghép giảng dạy trong môn học Giáo dục nhân cách và Giáo dục công dân. Ở các trường tiểu học, giáo dục hiểu biết tài chính gắn liền với giảng dạy các giá trị đạo đức cốt lõi.
Học sinh được dạy các khái niệm và giá trị cơ bản như phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn, chi tiêu trong phạm vi, tiết kiệm và đầu tư.
Ở trường trung học, học sinh được hướng dẫn lập kế hoạch tài chính đơn giản, sử dụng tín dụng có trách nhiệm, trang bị kiến thức về quyền của người tiêu dùng; từ đó, trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm và thông minh. Ở bậc dự bị đại học, kiến thức tài chính nằm trong môn Kinh tế cao cấp.
Trong đó, học sinh học cách cân nhắc giữa chi phí và lợi ích, quan điểm đầu tư thông minh... Nếu theo học trường bách khoa, sư phạm kỹ thuật, tất cả sinh viên năm nhất phải đăng ký học phần Giáo dục tài chính bắt buộc nhằm trang bị kiến thức tài chính cơ bản và trau dồi thói quen tài chính tốt.
Sinh viên tìm hiểu các khái niệm tài chính như lập ngân sách, lãi suất kép hoặc tìm hiểu chương trình tài chính quốc gia như Quỹ Bảo trợ Trung ương, Quỹ chăm sóc sức khỏe và hưu trí... Tương tự, tại các trường đại học tư thục, giáo dục tài chính lồng ghép trong các môn Tài chính và đầu tư cũng như trong các buổi hội thảo, hoạt động ngoại khóa.