Xu hướng này lần đầu xuất hiện vào năm 2011, khi giáo dục trực tuyến bắt đầu nổi lên. Giảng viên các chương trình đào tạo sau đại học từ châu Âu, Mỹ đã thu hút được sự quan tâm của người đi làm ở Nhật Bản.
Đợt bùng nổ thứ hai diễn ra từ năm 2014 – 2016 là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và giáo dục. Khi Nhật Bản báo động về nguy cơ già hóa dân số, giáo dục thường xuyên bắt đầu phổ biến rộng rãi từ năm 2017.
Theo truyền thống lâu đời của Nhật Bản, các công ty sẽ đảm bảo việc làm suốt đời cho nhân viên của mình. Chỉ một phần nhỏ các cá nhân theo đuổi giáo dục liên tục và thường xuyên với hy vọng tăng khả năng thu nhập cũng như tìm được vị trí việc làm tốt hơn tại các công ty khác nhau.
Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa ngày càng phát triển khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn để duy trì truyền thống “làm việc trọn đời”. Trong khi đó, nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số đã được minh chứng rõ ràng sau dịch Covid-19. Các công ty cắt giảm nhân sự nhiều hơn, chuyển sang sử dụng máy móc thay cho nhân lực. Còn nhân viên xin nghỉ việc tăng, nhu cầu làm việc linh hoạt, làm việc từ xa cũng mở rộng.
Ông Mori nhận định: “Con người hiện phải cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy, đe dọa thu nhập hàng năm và vị trí công tác. Điều này đã tạo ra nhu cầu để học tập liên tục và thường xuyên”.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý Nhật Bản đang tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trong việc đào tạo lại lao động toàn thời gian. “Đẩy mạnh giáo dục thường xuyên là điều tất yếu nếu Nhật Bản muốn giữ được vị trí hiện tại của mình trên trường quốc tế”, ông Mori cho biết.