Trước những khó khăn trên, Phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa đề xuất tỉnh và Sở GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ ngân sách để tăng cường CSVC, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018; trang cấp phòng dạy học tiếng Anh cho các trường còn thiếu, ưu tiên các trường xây dựng chuẩn quốc gia, các trường vùng cao, vùng dân tộc.
Ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa mong muốn tỉnh cũng như Sở GD&ĐT Quảng Bình luôn đồng hành, hỗ trợ ngành GD&ĐT huyện từng bước vượt qua khó khăn. |
Đề nghị UBND tỉnh sớm có quyết định giao biên chế theo quy mô trường lớp hiện có hoặc có phương án phù hợp để duy trì việc dạy học theo quy định. Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành và đề xuất Trung ương có phương án tinh giản biên chế phù hợp, không tinh giản biên chế vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 2-3% biên chế/năm dẫn đến thiếu giáo viên đứng lớp, trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao và thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, mong Sở GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ để tập huấn công tác sử dụng phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục nhằm tạo điều kiện để các nhà trường hoàn thành hồ sơ trực tuyến, đảm bảo đúng yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện nay. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng khả năng ứng dụng CNTT, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình nhấn mạnh, Tuyên Hoá là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Mức sống của nhân dân còn thấp, là địa phương thường xuyên bị lũ lụt, thiên tai tàn phá. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, các cơ quan, đoàn thể cấp huyện và các cấp uỷ đảng, chính quyền xã, thị trấn, ngành Giáo dục Tuyên Hoá đã có những kết quả đáng trân trọng.
Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các trường cả 3 cấp học trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy học, tận dụng tối đa thời gian để tổ chức dạy học trực tiếp nên kết thúc năm học 2021-2022, các trường đều đảm bảo tiến độ chương trình. Các hoạt động chuyên môn được quan tâm đúng mức.
Ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, Sở sẽ cùng huyện Tuyên Hóa nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn trong giáo dục. |
Tuy nhiên, nhìn chung ngành GD&ĐT Tuyên Hóa vẫn còn nhiều yếu điểm cần sớm khắc phục. Chất lượng dạy học ở một số trường, đặc biệt là cấp THCS còn thấp hơn so với mặt bằng chất lượng chung của tỉnh.
Một số cán bộ quản lý, giáo viên còn chậm đổi mới trong quản lý, quản trị nhà trường cũng như phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin. Một số đơn vị tuy đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nhưng thiếu vững chắc, có nguy cơ sụt, mất chuẩn nếu không có giải pháp mang tính dài hạn…
Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các trường cả 3 cấp học trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức dạy học, tận dụng tối đa thời gian để tổ chức dạy học trực tiếp nên kết thúc năm học 2021-2022, các trường đều đảm bảo tiến độ chương trình.
Qua đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng đề nghị UBND huyện Tuyên Hóa hỗ trợ các trường mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình phổ thông 2018, bởi vì nguồn trang cấp của tỉnh rất ít, không thể đáp ứng yêu cầu.
Hỗ trợ các trường mua máy tính phục vụ dạy học Tin học lớp 3, trong đó chú ý ở các điểm lẻ không có đủ phòng Tin học thì mua máy xách tay để phục vụ dạy học, đảm bảo công bằng trong giáo dục cho mọi học sinh.
“Sở sẽ cùng với UBND huyện Tuyên Hóa tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Trước mắt khi chưa có phương án bố trí giáo viên Tin học cấp tiểu học nên lấy giáo viên Tin học THCS về dạy liên trường tiểu học”, ông Tuấn cho hay.