Mối lo ngại thứ ba được thầy Ngô Huy Tâm nhắc đến là sự ảnh hưởng tiêu cực đến các kỹ năng tư duy của học sinh, sinh viên. Bởi dù với khả năng ưu việt của mình, ChatGPT vẫn chỉ là một “cỗ máy” vô tri và không thể sao chép được các kỹ năng phân tích, phản biện của một người thực. Do đó, nó có thể đưa ra các gợi ý để cải thiện bài viết và câu trả lời, nhưng không thể thay thế được người học ở khả năng phân tích sâu sắc hay phản biện.
Thầy Ngô Huy Tâm và học sinh Trường phổ thông liên cấp Phenikaa trong một hoạt động giáo dục. |
TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), khẳng định: Trong thời gian tới, công nghệ trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng người dùng trong hệ sinh thái GPT sẽ được các EdTech - công nghệ giáo dục đón nhận, tích hợp và phát triển trên những nền tảng hỗ trợ dạy học (trải nghiệm đắm chìm, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, nền tảng số song sinh…) trong các môn học để nâng hiệu suất và hiệu quả học tập. Dù chưa được hỗ trợ cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam (mặc dù công cụ hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt khá tốt), nhưng ChatGPT được trải nghiệm và đón nhận khá hào hứng.
Là chuyên gia về công nghệ giáo dục, TS Tôn Quang Cường đưa ra một số khuyến nghị mang tính dự báo. Theo đó, trước mắt, trong những điều kiện cho phép, có thể tích hợp dùng ChatGPT một cách có cân nhắc và kiểm soát, như sử dụng ChatGPT trong một số hoạt động dạy học mang tính gợi mở, “công não”, khám phá thông tin sơ bộ.
Ví dụ như tạo lập ý tưởng, lập dàn ý, tóm tắt cho một vấn đề, chủ đề học tập, nghiên cứu; rèn kỹ năng đặt câu hỏi đa dạng, triển khai vấn đề; kết hợp mở rộng thông tin tham khảo kiến thức với các hoạt động đánh giá phù hợp để xác thực thông tin (trong xây dựng nội dung học liệu hỗ trợ dạy học); rèn kỹ năng đánh giá và kiểm chứng thông tin (nếu đúng như vậy thì tại sao? Bằng cách nào để khẳng định sự đúng đắn? Câu trả lời không quan trọng, mà quan trọng là cách tìm ra câu trả lời…).
Mặt khác, nếu thực sự coi ChatGPT là phương tiện, công cụ hỗ trợ học tập (tương tự như các công cụ phần mềm được áp dụng hiện nay), cần đảm bảo các yếu tố về liêm chính học thuật. Ví dụ, cho phép người học được sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ học tập và kiểm tra đánh giá ở mức độ đơn giản, bắt buộc phải ghi chú phần nào do ChatGPT thực hiện trong quá trình diễn giải nội dung hay trích dẫn nguồn từ ChatGPT…
ChatGPT là một chatbot do OpenAI phát triển và nó không nhằm mục đích sử dụng như một công cụ giáo dục. ChatGPT là mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để tạo ra văn bản giống như con người thực hiện, dựa trên dữ liệu đầu vào mà nó nhận được. Nó có thể được sử dụng để tạo gợi ý cho các bài viết mang tính sáng tạo, cuộc trò chuyện thú vị hoặc đơn giản để phục vụ nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, nó không được thiết kế để sử dụng cho mục đích dạy học. TS Tôn Quang Cường