Giáo viên Lai Châu mong muốn chính sách phù hợp với miền núi

15/08/2023, 16:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo viên vùng cao có nhiều khó khăn, chế độ chính sách chưa đáp ứng đã khiến nhiều giáo viên ở Lai Châu thôi việc hoặc chuyển về vùng thuận lợi.

Cần chính sách phù hợp

Không chỉ trò bị cắt chế độ khi trường chuyển về vùng 1, mọi chế độ của giáo viên có nhiều thay đổi. Ưu đãi khu vực giảm từ 70% xuống còn 50%. Chế độ lâu năm, thu hút đều bị cắt giảm.

“Mong muốn của thầy cô giáo công tác tại trường là được các cấp có thẩm quyền xem xét và chia sẻ đối với các xã thuộc vùng 1 là xã biên giới vẫn được hưởng các chế độ như xã đặc biệt khó khăn. Cùng đó, có chế độ tăng lương để giáo viên đảm bảo mức sống”, cô Trần Thị Hằng bày tỏ.

Công tác ở vùng cao gặp nhiều khó khăn trong khi chế độ chưa tương xứng khiến nhiều giáo viên ở Lai Châu thôi việc hoặc chuyển về vùng thuận lợi.

Tại huyện Tân Uyên, trong 3 năm trở lại đây, đã có 44 giáo viên xin thôi việc và 81 giáo viên xin chuyển vùng. Trong năm học 2023 – 2024, huyện Tân Uyên vẫn còn thiếu 103 giáo viên cùng với 11 cán bộ quản lý.

Do tình trạng thiếu giáo viên nên nhiều thầy cô phải làm việc hơn 200 giờ/năm. Tuy nhiên, việc thanh toán chi trả làm thêm giờ từ trên 200 - 300 giờ theo quy định của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn do công tác dạy thêm giờ của các thầy cô không nằm trong quy định này.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên bày tỏ: “Chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ có cơ chế để thanh toán chế độ thêm giờ cho giáo viên dạy trên 200 - 300 giờ. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng giáo viên chỉ dạy đủ định mức. Số giờ còn lại sẽ không có giáo viên đứng lớp và như vậy sẽ không thể hoàn thành được chương trình giáo dục theo quy định”.

Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Tôi quan tâm tới việc công chức của phòng GD&ĐT bị giảm số lượng nhưng công việc không giảm đi. Điều đó dẫn đến phải huy động cán bộ quản lý, giáo viên tăng cường lên làm việc, dẫn đến ảnh hưởng đến công việc ở các trường”.

Theo thầy Bảo, trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh hiện đang thiếu 5 giáo viên. Cùng với đó, một số giáo viên đang xin chuyển về vùng thuận lợi. Trong khi đó, cán bộ quản lý của nhà trường lại lên trên phòng GD&ĐT. Điều đó dẫn đến nhân lực nhà trường đã thiếu lại thêm thiếu. Trong khi giáo viên, cán bộ cũng rất vất vả.

Thầy Trần Nam Phong, giáo viên trường PTDTBT THCS Ka Lăng, huyện Mường Tè gửi gắm: “Tôi mong muốn sẽ không bắt buộc giáo viên phải giữ hạng 9 năm mới cho thăng hạng. Cùng đó, không yêu cầu chứng chỉ thăng hạng. Đối với giáo viên lâu năm nên có chế độ chính sách ưu đãi”.

Thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Tôi mong muốn sẽ có nhiều chính sách phù hợp với sự phát triển của giáo dục vùng cao. Đối với trường có học sinh bán trú cần phải có nhân viên y tế học đường để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Cùng với đó, tạo điều kiện, quỹ đất hay nhà công vụ cho giáo viên ở xa gắn bó với trường vùng đặc biệt khó khăn”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-lai-chau-mong-muon-chinh-sach-phu-hop-voi-mien-nui-post650659.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-lai-chau-mong-muon-chinh-sach-phu-hop-voi-mien-nui-post650659.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên Lai Châu mong muốn chính sách phù hợp với miền núi