Thực trạng trên được nêu ra tại buổi làm việc giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM và Trường ĐH Sài Gòn về công tác đào tạo giáo viên theo chương trình GDPT 2018 và kế hoạch chuyển đổi số giáo dục 2023.
Theo đại diện phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, vừa qua TP Thủ Đức thiếu 1.400 giáo viên, qua 3 đợt tuyển dụng vẫn chỉ tuyển được 700 người. Số giáo viên thiếu đặc biệt ở các môn lịch sử, địa lý, giáo viên tiếng Anh tiểu học. Tình trạng trên cũng xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là việc thiếu giáo viên dạy môn tích hợp.
Ông Lưu Hồng Uyên-Trưởng phòng GD-ĐT quận 6, cho biết tại quận 6, dù tổ chức 2 đợt tuyển dụng nhưng quận vẫn thiếu giáo viên, chủ yếu là các môn tin học ở tiểu học, môn nhạc, họa ở cấp tiểu học và THCS. Cũng theo ông Uyên, tuyển giáo viên đã khó nhưng lại có tình trạng giáo viên nghỉ việc vì...trúng tuyển chỗ khác tốt hơn. "Giáo viên đang dạy ở quận này, thấy thông tin quận khác, trường khác điều kiện tốt hơn tuyển dụng thì đăng ký tuyển. Trúng tuyển rồi thì quay về trường xin nghỉ việc"- ông Uyên nói.
Cũng theo vị này, nếu giáo viên đăng ký tuyển dụng trong quận thì có thể khống chế được vì nhìn vào hồ sơ viên chức là biết, nhưng với trường hợp viên chức đăng ký tuyển theo dạng tự do ở địa phương khác lại rất khó.
TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết Sở GD-ĐT TP sẽ tổ chức lấy ý kiến các địa phương để làm sao hạn chế tình trạng một giáo viên đi thi nhiều nơi; một số nơi khó khăn trúng tuyển rồi thì không nhận nhiệm sở và đi nơi khác. Chẳng hạn có thể tổ chức thời gian tuyển tuyển dụng thống nhất cùng thời điểm giữa các địa phương.
"Nếu thống nhất, Sở GD-ĐT TP sẽ gửi văn bản qua Sở Nội vụ và trình UBND TP xin ý kiến thống nhất thời gian tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên phải đối chiếu với các quy định của Trung ương xem có đúng hay không"- ông Hiếu nói.