Mặt khác, đối với trường hợp bác sĩ vì lý do chính đáng muốn nghỉ việc ở đơn vị cũ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ bồi thường các khoản hỗ trợ theo cam kết, sẽ được giải quyết.
Giải thích về lý do nghỉ việc, bác sĩ T., người có trong tên danh sách bị đề nghị các đơn vị y tế không tiếp nhận, cho biết, trước khi nghỉ việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, ông đã có đơn xin nghỉ việc. “Sau thời hạn nộp đơn nghỉ việc 45 ngày theo quy định nhưng cơ quan cũ không giải quyết, vì hoàn cảnh nên tôi phải nghỉ. Tôi sẽ bồi thường lại chi phí đã nhận theo cam kết”, bác sĩ T. nói.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, quy định của Luật Lao động là sau khi nộp đơn 45 ngày, người lao động được phép nghỉ việc. Tuy nhiên, đối với bác sĩ thuộc diện thu hút nhân lực, được nhận chế độ, trước khi nghỉ việc phải hoàn thành các nghĩa vụ, trong đó có việc bồi thường kinh phí đã nhận nhưng vi phạm cam kết.
Trước đó, báo Tiền Phong đưa tin, ngày 2/3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương ban hành văn bản đề nghị ngành y tế toàn quốc không thu nhận sáu bác sĩ, kèm theo danh sách với lý do tự ý nghỉ việc, chưa bồi thường chi phí đã nhận hỗ trợ và cam kết thời gian phục vụ. Trong số sáu bác sĩ tự ý nghỉ việc có năm bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, một bác sĩ làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng.
Được biết, năm 2023, ngành y tế Bình Dương tuyển dụng hơn 500 viên chức y tế, trong đó có 203 bác sĩ và bác sĩ sau đại học. Riêng bác sĩ đào tạo theo địa chỉ từ nguồn ngân sách có 30 bác sĩ và 118 bác sĩ dự kiến sẽ hưởng chế độ thu hút theo Nghị Quyết 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bình Dương.