Tâm tư của giáo viên nhiều tuổi
Thầy Lê Văn Sức - giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) năm nay 53 tuổi, đã công tác ở miền núi Thanh Hóa từ năm 2002. Đến nay, thầy Sức cũng đã cao tuổi và đang cố gắng “bám nghề” để chờ vài năm nữa xin nghỉ chế độ.
Thầy Sức cho rằng, việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà dùng phương án xét là hợp lý, hợp với chủ trương chung của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng như nguyện vọng tha thiết của hàng vạn giáo viên tỉnh Thanh Hóa nói riêng và giáo viên cả nước nói chung.
“Xét thăng hạng sẽ đánh giá đúng hơn về năng lực của giáo viên trong quá trình công tác, cũng sẽ khích lệ lớp giáo viên trẻ có động lực để phấn đấu, cống hiến. Họ sẽ là những giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, những chiến sĩ thi đua sau này.
Hơn thế nữa, xét thăng hạng còn là sự quan tâm, động viên, ghi nhận của cấp trên đối với đội ngũ giáo viên có nhiều thành tích, cống hiến, gắn bó với ngành giáo dục”, thầy Sức chia sẻ.
Thầy Lê Văn Sức dạy học trò của mình ở điểm trường bản Tân Sơn, Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: TL |
Cũng theo thầy Sức, tháng 1/2013, thầy nhận bằng đại học. Lẽ ra, sau khi đủ 9 năm, thì các cơ quan chức năng liên quan phải tổ chức cho thầy được thi thăng hạng, để được ăn lương theo quy định (hạng II). Thế nhưng, đến nay đã hơn 10 năm, nhưng thầy giáo này vẫn chưa được dự thi, hoặc xét thăng hạng mà vẫn hưởng lương hệ cao đẳng.
"Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Hơn nữa, nếu cấp trên không thay đổi quy định cũ, thì đối với lớp giáo viên trẻ, họ cũng sẽ giảm nhiệt huyết và tinh thần phấn đấu, cống hiến cho ngành”, thầy Sức chia sẻ.
Điều trăn trở nhất của thầy giáo này là, theo quy định như hiện nay, sau 9 năm mới đủ điều kiện thi thăng hạng (từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I), có nghĩa là phải chờ đợi 18 năm.
“Nếu bây giờ tôi và những giáo viên giống tôi được thăng hạng từ hạng III lên hạng II, thì phải 9 năm nữa mới có cơ hội thăng lên hạng I. Như vậy, những người cao tuổi như chúng tôi cũng không còn cơ hội để phấn đấu”, thầy Sức tâm sự.
Theo quy định tại Điều 7, mục 2 trong Thông tư 08/2023 của Bộ GD&ĐT, nêu: “Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24), khi được xác định là người trúng tuyển trong kì thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non từ hạng II lên hạng I”.