Giáo viên THCS gặp nhiều khó khăn trong dạy học tích hợp

15/11/2023, 21:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tỷ lệ giáo viên THCS gặp khó khăn trong dạy học tích hợp là cao nhất, với gần 16%, trong khi ở các hoạt động khác khoảng 11%.

Hội thảo diễn ra 3 phiên gồm: Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Thảo luận bàn tròn; Một số hoạt động phát triển Chương trình giáo dục phổ thông.

Thông tin trên được TS Đặng Thị Thu Huệ - Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ tại Hội thảo khoa học thường niên năm 2023 với chủ đề ‘Một số vấn đề về phát triển chương trình giáo dục phổ thông’.

Hội thảo do Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) tổ chức ngày 15/11, dưới sự chủ trì của Viện trưởng - GS.TS Lê Anh Vinh.

Còn khó khăn khi dạy tích hợp

TS Đặng Thị Thu Huệ cho hay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Để triển khai dạy học hiệu quả các môn học tích hợp, ngoài yêu cầu giáo viên phải có năng lực chuyên môn phù hợp, một số nội dung giáo dục mới, tích hợp trong môn học đòi hỏi giáo viên phải cập nhật, sáng tạo hơn trước những yêu cầu về vận dụng tích hợp các kiến thức vào thực tiễn.

TS Đặng Thị Thu Huệ cũng nhấn nhấn mạnh đến vai trò của giáo viên khi họ phải chuyển từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "định hướng, tổ chức, kiểm tra, đánh giá" hoạt động học của học sinh.

Khảo sát về thực trạng năng lực của giáo viên THCS dạy các môn học tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của TS Đặng Thị Thu Huệ và cộng sự cho biết, từ hơn 3.600 mẫu là giáo viên được phân công dạy các môn tích hợp lớp 6 và 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chưa đến 50% số giáo viên dạy học tích hợp tự tin và tương đối tự tin khi thực hiện các hoạt động đã đưa ra; trong đó chỉ có trên, dưới 4% giáo viên rất tự tin. “Nhóm giáo viên trẻ ít tự tin hơn so với nhóm giáo viên có số tuổi lớn hơn khi thực hiện các hoạt động nêu trên” - TS Đặng Thị Thu Huệ cho hay.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Trao đổi về những khó khăn, thách thức đối với giáo viên THCS dạy các môn học tích hợp khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, TS Đặng Thị Thu Huệ thông tin, 8,4% giáo viên cho rằng “Không gặp khó khăn” khi thực hiện “Dạy học tích hợp”; trong khi đó, tỷ lệ này ở các hoạt động khác cao hơn, dao động từ 16,6 đến hơn 21%.

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên

Cho rằng, đánh giá kết quả học tập của học sinh liên quan đến năng lực nên thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng và sử dụng thang đo thích hợp; PGS.TS Phạm Xuân Quế - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội Giảng dạy Vật lí (Hội Vật lí Việt Nam) – đề xuất, cần hoàn thiện cơ sở lí luận về “Tổ chức dạy học phát triển và đánh giá sự phát triển năng lực của học sinh phổ thông”.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên có năng lực “Tổ chức dạy học phát triển và đánh giá sự phát triển năng lực của học sinh phổ thông” trên nền cơ sở lí luận về năng lực đã được hoàn thiện theo 2 giai đoạn.

PGS.TS Phạm Xuân Quế (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại hội thảo.
PGS.TS Phạm Xuân Quế (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại hội thảo.

Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống các nhiệm vụ (ngân hàng nhiệm vụ) mà học sinh cần thực hiện; qua đó có thể đánh giá mức hành vi của từng năng lực mà học sinh cần có; từ đó có thể đánh giá từng năng lực của học sinh.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Quế, cần xây dựng lộ trình phát triển mức năng lực chuyên môn của học sinh trong suốt Chương trình giáo dục phổ thông ở từng cấp học với 3 năng lực chung nêu trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, cần chuẩn hóa phương pháp đánh giá mức năng lực (hoặc năng lực thành phần).

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam ghi nhận, những vấn đề mà các đại biểu đưa ra góp phần chỉ ra thực tiễn triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Từ đó sẽ gợi mở cho những nhà quản lý định hướng phát triển chương trình.

GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trao đổi tại hội thảo.
GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trao đổi tại hội thảo.

Sang năm, chúng ta sẽ hoàn thành triển khai 1 vòng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; từ đó sẽ có những đánh giá bước đầu đối với chương trình. "Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn vào những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai, để có những đề xuất về định hướng điều chỉnh và phát triển chương trình"- GS.TS Lê Anh Vinh nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên THCS gặp nhiều khó khăn trong dạy học tích hợp