Giáo viên tiếng Anh vất vả 'chạy sô'

02/10/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ở một số địa phương, do thiếu GV tiếng Anh nên nhiều thầy, cô phải “chạy sô” dạy học liên trường, liên cấp để đảm bảo đủ số tiết theo yêu cầu…

Dạy liên trường, liên cấp

Thuộc biên chế Trường Tiểu học xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang), nhưng cô Nguyễn Thị Lan phải dạy tăng cường cho Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Thài Sìn Tủng. Khoảng cách giữa hai trường trên 30km đường đèo nhưng mỗi tuần cô Lan đều phải đảm trách hơn 30 tiết tiếng Anh cho học sinh của 2 trường.

Theo cô Lan, khó khăn nhất khi giáo viên dạy liên trường là việc di chuyển từ trường này sang trường khác. “Ở miền núi, đi lại không thuận tiện như đồng bằng. Huyện vùng cao Đồng Văn có địa hình chia cắt, nhiều đoạn đổ đèo, leo dốc, vào mùa mưa nguy cơ sạt lở đất, đá có thể xảy ra bất cứ lúc nào vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, giáo viên tiếng Anh không chỉ dạy liên trường, mà còn dạy ghép lớp. Mong sao tình trạng thiếu giáo viên sớm được khắc phục”, cô Lan bộc bạch.

Năm học này cũng là năm học thứ 2 cô Nguyễn Thị Thu Lưỡng – giáo viên tiếng Anh, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) được điều động dạy tăng cường cho Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Trà. Hiện, cô Lưỡng chủ nhiệm lớp 6A3 và dạy học cho 9 lớp, trong đó có 4 lớp cấp tiểu học và 5 lớp cấp THCS.

Trung bình, mỗi tuần cô Lưỡng dạy khoảng 26 tiết; mà theo định mức tiết dạy của giáo viên THCS thì chỉ phải dạy 19 tiết/tuần. Nếu là giáo viên chủ nhiệm còn được giảm từ 2 - 4 tiết/tuần (tùy theo từng loại hình trường học).

Việc phải dạy ở nhiều lớp và tăng số tiết giữa hai cấp học khiến cô Lưỡng gặp không ít khó khăn, như khi soạn giáo án, sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn bởi học sinh ở nhiều lứa tuổi nên mục tiêu giáo dục khác nhau. Theo đó, phương pháp dạy học cũng phải thay đổi. “Chẳng hạn, với học sinh tiểu học thì “vừa dạy, vừa dỗ”. Ngoài ra, tôi còn rèn lại cách viết bảng vì học sinh tiểu học cần chú ý hơn đến chữ viết” – cô Lưỡng bộc bạch.

Dự án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 huyện Mèo Vạc của Trường Marie Curie. Ảnh minh họa: INT ảnh 1
Dự án dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 huyện Mèo Vạc của Trường Marie Curie. Ảnh minh họa: INT

Giải pháp tình thế

Theo cô Lưỡng, nhiều đồng nghiệp phải dạy 2 - 3 trường, khoảng cách giữa các trường từ 20km – 50km, đường sá đi lại khó khăn. Cô Lưỡng mong muốn, khi địa phương thông báo tuyển dụng giáo viên tiếng Anh sẽ có nhiều hồ sơ ứng tuyển, sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, để các thầy cô không phải “chạy sô”.

Toàn huyện Mèo Vạc có 1 giáo viên tiếng Anh thuộc biên chế một trường tiểu học trên thị trấn huyện. Vì thế, thiếu giáo viên tiếng Anh là tình trạng chung của các trường tiểu học trên địa bàn huyện này, trong đó có Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Trà.

“Nhà trường đã kết nối với Trường Marie Curie (Hà Nội) để giáo viên trường này dạy tiếng Anh theo hình thức trực tuyến cho học sinh lớp 3, 4. Theo đó, giáo viên Trường Marie Curie sẽ dạy 3 tiết online/tuần, còn 1 tiết dạy trực tiếp sẽ được phòng GD&ĐT điều động giáo viên của trường THCS xuống dạy cho học sinh lớp 3, 4”, thầy Vụ chia sẻ.

Thầy Phó Hiệu trưởng Chu Văn Vụ cho biết, trường có gần 400 học sinh. Để tạo điều kiện cho học sinh lớp 3, 4 được học tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã dồn toàn bộ học sinh khối 3, 4, 5 ở 3 điểm lẻ về điểm trường chính học.

Tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Anh Thủy cho biết, tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh diễn ra từ năm học trước, thậm chí có trường “trắng” giáo viên bộ môn này.

Dù huyện có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không có nguồn để tuyển. Năm học trước, UBND tỉnh đã chỉ đạo biệt phái 9 giáo viên tiếng Anh từ nơi khác lên tăng cường cho huyện. Giải pháp này tiếp tục được áp dụng cho năm học 2023 – 2024”, ông Thủy cho hay. Ngoài ra, năm học 2023 - 2024, nhiều trường tiếp tục thực hiện hình thức dạy học trực tuyến do các tỉnh, thành phố khác hỗ trợ nhằm đảm bảo thực hiện đủ chương trình môn tiếng Anh cho học sinh theo quy định.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái cho biết, tỉnh thiếu hơn 1.700 giáo viên; trong đó cần bổ sung khoảng 270 giáo viên tiếng Anh các cấp học. “Công tác tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Dù Yên Bái đã có chính sách tuyển mới giáo viên tiếng Anh, Tin học với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/trường hợp nhưng vẫn chưa tuyển được”, ông Duy chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, ông Duy cho biết, tỉnh Yên Bái dành nhiều chính sách quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên như: Thực hiện chính sách thu hút giáo viên tốt nghiệp loại giỏi; hỗ trợ giáo viên thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; liên kết mở lớp đào tạo giáo viên tiếng Anh trình độ đại học.

Biên chế giáo viên giao cho tỉnh Yên Bái mới đáp ứng 91,1% nhu cầu. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đề xuất, tiếp tục quan tâm, giao bổ sung biên chế giáo viên cho địa phương đảm bảo đủ định mức theo quy định.

Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù cho phép các tỉnh miền núi như Yên Bái tuyển dụng giáo viên tiểu học, THCS theo chuẩn cũ và có lộ trình học liên thông đại học để đạt chuẩn mới trong thời gian không quá 5 năm. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang có khoảng 200 giáo viên thuộc diện này và đa số là người dân tộc thiểu số, do tỉnh bỏ kinh phí ra đào tạo, nay không thể tuyển dụng do không đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Giang, toàn tỉnh có 817 cơ sở giáo dục, với hơn 1.900 điểm trường cùng 265 nghìn học sinh. Số học sinh tăng nhanh qua từng năm. Tình trạng thiếu giáo viên đang xảy ra tại tất cả các huyện, thành phố; trong đó một số địa phương thiếu nhiều giáo viên theo định mức như: Mèo Vạc (315 giáo viên), Đồng Văn (317), Yên Minh (524), Bắc Mê (148), Xín Mần (299).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên tiếng Anh vất vả 'chạy sô'