Giáo viên viết đơn tình nguyện luân chuyển tới miền núi Quảng Trị

Đăng Đức | 14/09/2022, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc luân chuyển giáo viên nhằm giải quyết khó khăn trước mắt tình trạng thiếu giáo viên dạy học ở một số địa bàn miền núi.

Giáo viên viết đơn tình nguyện luân chuyển tới miền núi Quảng Trị ảnh 1

Ngành giáo dục Quảng Trị đưa ra giải pháp điều động, luân chuyển giáo viên nhằm giải "bài toán" thiếu giáo viên.

Trước ngày khai giảng năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Quảng Trị gặp mặt các giáo viên trong diện điều động luân phiên. Đáng chú ý, trong 27 giáo viên thực hiện điều động có 25 giáo viên viết đơn tình nguyện trình bày nguyện vọng đến các trường khó khăn công tác dạy học. Tại buổi gặp mặt, nhiều giáo viên đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng muốn giúp đỡ học sinh ở địa bàn khó khăn. Sớm làm quen với môi trường mới để hoàn thành nhiệm vụ.

Năm học này, thầy giáo Lê Kiên Cường (giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong) tình nguyện đến công tác tại Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa. Thầy Cường chia sẻ: “Tôi đã có khoảng thời gian gắn bó hơn 10 năm dạy học tại huyện Đakrông, huyện miền núi của Quảng Trị. Vì vậy, tôi thấu hiểu sự khó khăn của các em học sinh nơi đây. Tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, phát huy tâm huyết, trách nhiệm để giảng dạy kiến thức cho học sinh”.

Thầy giáo Mai Xuân Gia (giáo viên Trường THPT Chế Lan Viên, huyện Cam Lộ) cho biết: “Sau khi Sở GD&ĐT thông báo, tôi hiểu được tình trạng khó khăn về thiếu giáo viên tại một số địa bàn miền núi. Do đó, đầu năm học, tôi viết đơn tình nguyện và được phân công đến công tác tại Trường THCS-THPT Đakrông. Đến với ngôi trường mới sẽ có chút bỡ ngỡ, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của một nhà giáo, tôi sẽ cố gắng phát huy khả năng, trình độ của mình để truyền dạy kiến thức cho học sinh”.

TS Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước năm học mới, ngành đối mặt với tình trạng, đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu, cơ cấu không đồng bộ. Nhiều môn chưa đảm bảo chương trình, như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Có trường thừa giáo viên, có trường thiếu một số môn, đặc biệt là các địa bàn khó khăn.

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, đảm bảo yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã làm việc với các trường để rà soát, sắp xếp, thống nhất phương án bố trí giáo viên.

“Điều đáng mừng, năm học này có đến 25 giáo viên viết đơn tình nguyện được đến địa bàn khó khăn dạy học. Trong những thầy, cô giáo “xung phong” đợt này, có trường hợp từng tham gia dạy học nhiều năm ở miền núi, có thầy giáo tuổi đã cao vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thậm chí, có 9 thầy cô tình nguyện ở lại gắn bó dạy học nơi trường đang công tác”, TS Hương cho hay.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, trong khi việc tuyển bổ sung giáo viên còn gặp khó khăn thì việc luân chuyển giáo viên là giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Ngành GD&ĐT Quảng Trị sẽ tiếp tục nghiên cứu để có quyết sách, giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-viet-don-tinh-nguyen-luan-chuyen-toi-mien-nui-quang-tri-post607676.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-vien-viet-don-tinh-nguyen-luan-chuyen-toi-mien-nui-quang-tri-post607676.html
Bài liên quan
Lớp học số góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên
Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện mô hình Lớp học số, ngày 9/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận định, mô hình không chỉ giải quyết bài toán thiếu giáo viên tại các trường ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà còn giúp giảm áp lực về nguồn tuyển giáo viên các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học bậc tiểu học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên viết đơn tình nguyện luân chuyển tới miền núi Quảng Trị