Giờ học không điện thoại

06/11/2023, 09:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau thời kỳ đại dịch, làm thế nào để mỗi giờ thầy cô lên lớp học sinh đều tập trung, sôi nổi, sáng tạo là câu hỏi trăn trở của nhiều trường học.

Xác định nguyên nhân là việc các em lạm dụng điện thoại thông minh, Trường THPT Nghi Lộc 2 (Nghệ An) đã tập trung tìm ra giải pháp là cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học khi chưa được sự đồng ý của giáo viên.

Hiện thực phổ biến

Cách đây khoảng hơn một năm, vợ chồng một người bạn gặp tôi để tìm giải pháp cho vấn đề mà họ rất bức xúc đó là cả hai đứa con của họ bỗng dưng lười học, không hề tỏ ra có động lực hay mục tiêu gì cho cuộc sống, dù cả hai đã bước vào cấp THPT. Sau một lúc hỏi han về thói quen sinh hoạt, các thiết bị mà các con dùng hàng ngày… tôi nhận ra ngay nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất chính là việc các con của họ đã bị chiếc điện thoại thông minh chi phối.

Dĩ nhiên chiếc điện thoại không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng việc các con ôm chiếc điện thoại suốt ngày chắc chắn là nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu. Nên tôi khuyên vợ chồng bạn tôi thay chiếc điện thoại thông minh của các con bằng chiếc điện thoại thế hệ cũ, chỉ có chức năng nghe gọi và nhắn tin thông thường thôi. Đồng thời, tôi gợi ý một số giải pháp để giúp các con vận động cơ thể nhiều hơn, trải nghiệm cuộc sống thực tế nhiều hơn và suy nghĩ tích cực về tương lai nhiều hơn…

Kết quả là sau hơn một năm, vợ chồng bạn gặp lại tôi với một tâm trạng phấn khởi khác hẳn khi chia sẻ về hai đứa con. Thay vì trạng thái lúc nào cũng lơ mơ như thiếu ngủ, giao tiếp cục cằn gắt gỏng với bố mẹ và mọi người xung quanh, học hành sút kém… thì cả hai đứa đã thay đổi toàn diện. Các con sống tích cực hơn, vui vẻ hơn, hòa đồng hơn và đặc biệt là các con trở nên tỉnh táo, thông minh hơn và học giỏi hơn hẳn. Cậu con lớn thậm chí là đã đỗ vào trường đại học tốt như mong muốn.

Sau hai năm đại dịch, học sinh phải học trực tuyến nhiều nên việc bị nhốt ở nhà với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng đã khiến các em bị nghiện các thiết bị này lúc nào không hay biết.

Và không chỉ học sinh, rất nhiều người lớn cũng bị chiếc điện thoại thông minh chi phối khi suốt ngày dán mắt vào chiếc điện thoại và chìm đắm trong những thông tin ít giá trị mà quên đi cuộc sống thực hàng ngày. Nó kéo theo nhiều hệ lụy không mong muốn, khiến chất lượng cuộc sống sụt giảm nghiêm trọng, và năng lực của mỗi cá nhân đều bị kéo tụt xuống tới mức không ngờ.

Tôi đã chứng kiến nhiều học sinh của trường mình học tập sa sút, năng lượng gần như suy kiệt trong mỗi buổi lên lớp, nên thấy nhất thiết phải chia sẻ những thông tin về tác hại của chiếc điện thoại thông minh này tới các phụ huynh và học sinh.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Dylan Lukes của Đại học Harvard, tuy việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học còn gây nhiều tranh cãi trong các trường phổ thông ở nước Mỹ, chủ yếu là về quyền tự do của học sinh. Tuy nhiên, cũng đã có một số trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường vì những hậu quả rõ ràng của nó đối với học sinh.

Cụ thể, khi đánh giá về điểm số học tập, thời gian phản ứng với bài học, và khả năng tập trung của học sinh, nghiên cứu từ Đại học Harvard nhận thấy rằng: “Các nghiên cứu hiện tại của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng cho thấy việc cho phép sử dụng điện thoại trong lớp học có tác động tiêu cực đến điểm kiểm tra và khả năng duy trì việc học tập lâu dài của học sinh. Có nhiều bằng chứng còn cho thấy mối quan hệ tiêu cực giữa việc sử dụng thiết bị ngoài giờ học cũng ảnh hưởng tới thành tích học tập của các em.

Hơn nữa, trong tâm lý học, nghiên cứu về đa nhiệm thường phát hiện ra những tác động tiêu cực đến việc học và hoàn thành nhiệm vụ, và nói chung, nghiên cứu đã chỉ ra rằng điện thoại di động làm mất tập trung và tác động tiêu cực đến thời gian phản ứng với bài giảng và câu hỏi, hiệu suất học tập trên lớp và cả ở nhà, sự thích thú với các nhiệm vụ trọng tâm của bài học và cả khả năng nhận thức”.

Không chỉ mất tập trung, suy giảm trí nhớ, sút kém về điểm số, mà các nghiên cứu cũng chỉ ra những hậu quả về mặt quan hệ xã hội cũng rất đáng quan ngại. Cụ thể là học sinh thường xuyên tập trung vào chiếc điện thoại hơn là mối quan hệ và giao tiếp với thầy cô và bạn bè thực tế xung quanh mình.

Điều này không chỉ gây nên sự khó chịu khi những người xung quanh cảm thấy bạn mình không coi trọng mình bằng chiếc điện thoại, khiến cho sự tôn trọng lẫn nhau bị ảnh hưởng xấu. Nó cũng làm cho quan hệ giữa bạn bè và thầy cô trở nên lỏng lẻo hơn, sự quan tâm tới nhau giảm sút nghiêm trọng, và dễ phát sinh mâu thuẫn hơn do thiếu sự chia sẻ và cảm thông giữa con người với nhau.

Ngoài ra, việc tập trung quá nhiều vào thế giới trực tuyến trên chiếc điện thoại còn tạo điều kiện phát triển việc bị bắt nạt trên mạng, hay ít nhất thì cũng là những lo lắng hoặc những ảnh hưởng tâm lý không tốt từ việc dễ dàng bị ghi hình, chụp ảnh và phát tán trên mạng (dù đó có thể chỉ là những hình ảnh thông thường), quấy rối hay bình phẩm không hay về nhau qua smart phone.

Nhưng tốc độ chia sẻ và sự lan truyền của cả những bình luận vô trách nhiệm đã khiến cho nhiều học sinh bị trầm cảm nặng nề, kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực ngoài kiểm soát của thầy cô, nhà trường và gia đình. Ngoài ra dùng smart phone còn có những tác hại về sức khỏe thể chất khác.

Học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2 bỏ điện thoại vào hộp trước giờ học. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2 bỏ điện thoại vào hộp trước giờ học. Ảnh: TG

Giờ học không điện thoại

Tại Trường THPT Nghi Lộc 2, hơn một năm qua, trong các giờ học đều được thực hiện với yêu cầu cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh. Ban đầu, quy định này rất khó thực hiện vì phần lớn học sinh đều được gia đình đã trang bị điện thoại thông minh và các em cũng có thói quen sử dụng điện thoại khi đến trường.

Tuy nhiên, Ban giám hiệu nhà trường đã kiên quyết thực hiện bằng cách giao nhiệm vụ cho Đoàn trường, Ban an ninh, Ban cơ sở vật chất trường học nghiên cứu phương án để thực hiện tốt nhất quy định trên.

Tuần đầu tiên của năm học, Đoàn trường vừa phổ biến quy định giờ học không điện thoại vừa tuyên truyền giáo dục cho học sinh về tác hại của việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng như hạn chế sử dụng điện thoại thông minh cả sau mỗi buổi học.

Đặc biệt, trong chuyên mục “có thể bạn chưa biết” được thực hiện mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, Đoàn trường có lồng ghép nội dung này vào giáo dục về nhận thức, tư tưởng cho học sinh. Các lớp gửi danh sách các học sinh có đăng ký đưa điện thoại thông minh đến trường đến Đoàn trường. Từ đó, Đoàn trường nắm bắt chính xác số lượng điện thoại để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn có cách quản lý giờ học không điện thoại một cách tốt nhất.

Về phía Ban cơ sở vật chất đã đề xuất và thực hiện ở mỗi lớp học một hộp đựng điện thoại. Mỗi lớp cử một bạn học sinh có tinh thần trách nhiệm cao giữ chìa khoá hộp điện thoại. Đầu buổi học, lớp trưởng đôn đốc các bạn tắt nguồn và bỏ điện thoại vào tủ đúng quy định. Cuối buổi học, học sinh mới được lấy điện thoại mang về.

Đoàn trường phối hợp với Ban an ninh trường học tổ chức kiểm tra hộp đựng điện thoại đột xuất ở các lớp. Nếu vi phạm sẽ tiến hành phạt lao động, hạ điểm thi đua của lớp. Nếu tái phạm thì sẽ thu điện thoại có thời hạn. Bên cạnh đó, hàng tuần, họp giáo viên chủ nhiệm, đại diện Ban giám hiệu và Đoàn trường đều đưa nội dung “giờ học không điện thoại” vào đôn đốc, trao đổi các vấn đề nảy sinh một cách kịp thời.

Hàng tháng, trong cuộc họp hội đồng giáo dục của nhà trường, đích thân hiệu trưởng cũng có những tổng kết, rút kinh nghiệm về những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện mô hình “giờ học không điện thoại”.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, nguyên nhân chính gây mất tập trung, giảm sự nỗ lực của học sinh là chiếc điện thoại thông minh trong quá trình học tập dần dần đã bị loại bỏ. Kết quả của các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm đã tăng lên rõ rệt.

Và, nếu so sánh với năm học 2021 - 2022, năm học này kết quả học tập của các đơn vị lớp đều có sự tăng bậc rõ rệt. Cụ thể, khối 10, có điểm trung bình các môn học là 7.4 (7.1); khối 11 là 7.7 (7.4) và khối 12 là 8.1 (7.9).

Đặc biệt riêng khối 10 - là khối lớp năm đầu tiên học Chương trình GDPT 2018, kết quả đạt được rất khả quan. Toàn khối có 16 em có kết quả học tập xuất sắc (điểm tổng kết đạt 9 điểm trở lên), 64 em học sinh giỏi toàn diện. Kết quả học sinh giỏi năm học 2022 - 2023 cũng cao hơn năm học trước: Năm trước toàn trường chỉ có 7 em đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh, năm nay số lượng tăng lên 16 em đạt giải.

Đặc biệt, các thầy cô đều nhận thấy sự cải thiện tích cực từ tinh thần học tập ở học sinh. Các giờ học sôi nổi hơn. Học sinh bớt uể oái, sáng tạo hơn trong quá trình học tập. Điều đáng mừng nữa là ý thức tự giác chấp hành của các em đã được nâng lên rõ rệt.

Đặc biệt, những hiện tượng tiêu cực đã giảm mạnh như học sinh đi học muộn, học không tập trung, ngủ gật thường xuyên trên lớp, dễ mâu thuẫn, dễ nổi cáu, không hoàn thành bài tập, không hợp tác với bạn học trong các dự án, gian lận trong việc làm bài tập, hay thậm chí là khả năng diễn đạt…

Các vấn đề nhạy cảm hơn như nghiện game, lan truyền loại phim không phù hợp với độ tuổi, hay những điều tồi tệ khác mà các em học sinh đang ở độ tuổi ham vui và tò mò đã được kiểm soát. Và đáng mừng hơn cả là học sinh rơi vào tình trạng mất động lực học tập, và mất hẳn mục tiêu phấn đấu đã giảm hẳn.

Hơn một năm thực hiện nội quy cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học, kết quả đạt được là ngoài mong đợi. Điều mà Ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT Nghi Lộc 2 cảm thấy vui nhất là học trò của trường mình đang ngày càng tiến bộ và quy định này được sự đồng thuận rất lớn từ phía các bậc phụ huynh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giờ học không điện thoại