Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Đền thờ Vua Hùng nơi Đất Mũi

18/04/2024, 10:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ở Việt Nam, ngoài đền thờ Vua Hùng được xây dựng quy mô tại đất Tổ Phú Thọ, nhiều địa phương cũng có đền thờ Vua Hùng, trong đó có tỉnh Cà Mau.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân công đức các Vua Hùng, những người đã có công dựng nước.

Ngôi đền hơn 160 năm tuổi

Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau nằm ven tuyến Quốc lộ 63, thuộc địa bàn ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. Theo các bậc cao niên, ngôi đền đã có tuổi đời trên 160 năm, từ thời khai khẩn vùng đất Đầu Nai và mở con kênh đào Bạch Ngưu để lưu thông, vận chuyển lúa gạo.

Trong bối cảnh chung của công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ, người Việt từ miền Bắc, miền Trung đã đến vùng đất Cà Mau khẩn hoang, dựng làng, lập ấp. Những thế hệ cư dân đầu tiên đã lập nên ngôi đền để thờ cúng, hướng về tổ tiên. Lúc đầu đền chỉ là một cái miếu nhỏ xây dựng bằng cây lá đơn sơ, người dân địa phương vẫn quen gọi nơi đây là “Miếu Ông Vua”. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngôi đền nhiều lần bị bom đạn tàn phá, có lúc phải di dời chỗ này, chỗ khác để yên ổn tổ chức lễ Giỗ, cũng như tránh sự tàn phá của chiến tranh.

Theo thời gian ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần, đến năm 2006 được sự ủng hộ của các nhà tài trợ và nhân dân địa phương, đền thờ Vua Hùng được xây dựng lại bằng bê tông, cốt thép theo lối kiến trúc một gian hai chái, bên trên bốn đầu mái có gắn hình tượng rồng. Bên trong đền ở giữa là nơi đặt tượng Vua Hùng được đắp bằng xi măng, bên trái và bên phải là bài vị thờ các quan văn và võ. Năm 2011, đền thờ Vua Hùng ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Nhận thấy diện tích đền vẫn còn nhỏ, thiếu nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí vào những dịp lễ Giỗ, năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau quyết định đầu tư mở rộng, nâng cấp đền thờ Vua Hùng giai đoạn 1 với diện tích hơn 2 ha, bao gồm 13 hạng mục công trình, tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ ngày 11/12/2020 và khánh thành đúng vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022. Đền thờ Vua Hùng sau khi được trùng tu, nâng cấp có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, đặc biệt khu chính điện được xây dựng khang trang, thiết kế ấn tượng, ở giữa là nơi đặt tượng Vua Hùng thần sắc uy nghiêm.

Ông Hồ Văn Săn, ngụ ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình năm nay gần 100 tuổi cho biết, ngay từ nhỏ ông đã thấy nơi đây có miếu thờ Vua Hùng (nay là đền thờ). Đối với ông cũng như người dân nơi đây, ngôi đền có ý nghĩa rất thiêng liêng, nhắc nhở mọi người luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. “Thấy ngôi đền ngày nay được chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, tôi rất mừng. Đó chính là nguyện vọng lớn lao của tôi và những người dân địa phương nơi đây”, ông Săn phấn khởi nói.

Ông Phan Văn Do (73 tuổi) hiện là người trông coi đền thờ Vua Hùng chia sẻ, gia đình ông có nhiều đời trông coi, chăm sóc vệ sinh ngôi đền, nhang khói thành kính anh linh Vua Hùng từ khi ngôi đền còn là cái miếu nhỏ cất bằng cây lá đơn sơ. “Tôi nghe cha tôi kể lại, trước đây quan chức Pháp không cho người dân thờ cúng Vua Hùng, thấy đền sẽ đập phá. Nhưng đập phá hôm trước thì ngày hôm sau lại có người mang cây lá đến làm lại, chỗ này bị phát hiện thì làm chỗ khác. Dù khó khăn trong bom đạn chiến tranh nhưng ông cha vẫn quyết tâm giữ đền, cho nên tôi luôn cố gắng chăm sóc, gìn giữ ngôi đền sạch sẽ. Đối với tôi công việc này rất có ý nghĩa và là niềm vinh dự vì gìn giữ ngôi đền cũng chính là gìn giữ truyền thống tốt đẹp của cha, ông đi trước”, ông Do tâm sự.

Hàng năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương có rất đông người dân khắp nơi đến thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Hàng năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương có rất đông người dân khắp nơi đến thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Những năm qua, đền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Hàng năm, nơi đây đón rất đông các đoàn học sinh, sinh viên, đoàn viên trong và ngoài tỉnh tổ chức về nguồn, trải nghiệm, sinh hoạt ôn lại truyền thống, tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, tôn vinh giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương.

Thầy Nguyễn Văn Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Xuân (xã Tân Phú, huyện Thới Bình) cho biết: Trường nằm trên địa bàn có đền thờ Vua Hùng nên có điều kiện hết sức thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

“Hằng năm, nhà trường đều tổ chức cho giáo viên, học sinh đến đền Vua Hùng dâng hương và góp phần dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên, cảnh quan. Đây chính là cách chúng tôi gián tiếp giáo dục các em biết ơn công lao của các vị Vua Hùng đối với dân tộc. Tại đây, trường cũng tổ chức hội thi “Rung chuông vàng” với chủ đề tìm hiểu về Vua Hùng, giá trị lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Đặc biệt, trong dịp lễ Giỗ Tổ năm nay nhà trường cũng mời một số trường bạn đến đền thờ Vua Hùng thắp hương tri ân, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao nhằm góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định vị trí và ý nghĩa quan trọng của lễ Giỗ Tổ Hùng Vương”, thầy Vinh chia sẻ.

Em Lê Nguyễn Khánh Vy, học sinh lớp 5A5 Trường Tiểu học Tân Xuân bày tỏ cảm nhận: “Con và các bạn thường được thầy, cô dẫn đến đền thờ Vua Hùng tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhờ đến đây con hiểu Vua Hùng là người đã có công lao dựng nước, hiểu hơn về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Con hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để đáp lại công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc cha, ông đã có công dựng nước và giữ nước”.

Dù ngày xưa hay ngày nay, mỗi dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau lại đón đông đảo khách từ khắp nơi đến tham quan. Ông Phan Thông, thành viên Ban Quản lý đền thờ Vua Hùng cho biết, ở đây bà con rất coi trọng tín ngưỡng Vua Hùng. Không chỉ dân địa phương, mà còn nhiều tỉnh, thành khác nữa. “Lễ vật dâng lên bàn thờ Vua Hùng ai có gì thì góp nấy, người dân địa phương cùng nhau đến đền nấu nướng, dọn dẹp, cùng nhau quây quần, trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, sản xuất”, ông Thông cho biết.

Ông Trần Minh Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, Cà Mau cho biết, năm nay, chương trình lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cơ bản giống những năm trước. Điểm nhấn nổi bật là hoạt động nấu bánh dân gian do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, cùng Hội Phụ nữ các xã, thị trấn phối hợp tổ chức trong đêm 9 tháng 3 âm lịch tại đền thờ Vua Hùng. Qua đó, tạo không khí đầm ấm của ngày lễ, gắn kết người dân trên địa bàn cùng tề tựu về đền thờ Vua Hùng thực hiện các nghi thức truyền thống, tưởng nhớ đến những người có công dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Đền thờ Vua Hùng nơi Đất Mũi