(GDTĐ) - Tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Miền Trung và Tây Nguyên.
Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố Miền Trung và Tây Nguyên là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và Chương trình mỗi xã một sản phẩm Thành phố Hà Nội năm 2023.
Sự kiện có quy mô 100 gian hàng, giới thiệu trên 2000 sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền của miền Trung và Tây Nguyên và 17 tỉnh, thành cả nước. Riêng Hà Nội có 45 gian hàng với trên 1.000 sản phẩm OCOP tham gia sự kiện. Đặc biệt có 20 gian hàng Văn hóa Việt - Nhật giới thiệu sản phẩm đặc trưng 2 nước Việt Nam - Nhật Bản.
Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật năm 2023 với chủ đề “Những nhịp cầu hữu nghị”. Sự kiện là dịp để người tiêu dùng nhận diện, liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thực hiện tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”.
Trong các ngày diễn ra sự kiện, khách thăm quan có dịp thưởng thức văn hóa ẩm thực Tây Hồ với các món ăn như bánh tôm, bún ốc, trà sen, bánh trung thu, bánh chả... thủ phủ hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, chợ hoa Quảng Bá... bên cạnh đó tìm hiểu về hình ảnh, con người Tây Hồ qua các di tích lịch sử đã được xếp hạng và nhiều di tích nằm trong tour du lịch của các công ty lữ hành như chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, Phủ Tây Hồ, ngoài ra có thể thăm quan các điểm có phong cảnh đẹp như thung lũng hoa Hồ Tây, Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, bãi đá sông Hồng...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề, chiếm 56% số làng nghề của cả nước, trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 159 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hơn 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là tiềm năng lớn cho phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô Hà Nội.
Từ năm 2019 đến nay Hà Nội đã đánh giá, công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP cả nước (chiếm 22%), trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao (chiếm 63,2%), 780 sản phẩm 3 sao chiếm 36%. Trong năm 2023 đến nay có 25/30 quận, huyện, thị xã đã thực hiện đánh giá, phân hạng được 532 sản phẩm (đạt 133% so với kế hoạch) trong đó có 440 sản phẩm OCOP 3 sao, 92 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao.
Nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm chất lượng cao phục vụ cho trên 10 triệu người dân Thủ đô là rất lớn. Tuy nhiên, hàng hóa thiết yếu thường xuyên chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu thị trường, còn lại phải nhập từ các tỉnh thành trong nước và nhập khẩu.
Ngoài ra, Thành phố Hà Nội có 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, giá trị xuất khẩu theo số liệu Cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2023 là 1.7 triệu USD, riêng chế biến hàng nông sản thực phẩm là 975 triệu USD, nguồn gốc nông sản thực phẩm là đặc sản của Hà Nội và hầu hết của các tỉnh thành trên cả nước.
Điều đó cho thấy nhu cầu nông sản thực phẩm và khả năng hợp tác của Thành phố Hà Nội với các tỉnh là rất lớn.
“ Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm vào hệ thống phân phối nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP và cũng là dịp để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện, liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP”, ông Tường nhấn mạnh.