Giáo dục

Giúp học trò 'tìm lại chính mình'

10/04/2025 10:45

Tăng cường giáo dục kỹ năng để vực dậy tinh thần, tạo động lực, tự tin giúp học trò thường xuyên phát huy năng lực bản thân.

Cùng với dạy học, dạy nghề, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) tại Nghệ An đã tăng cường giáo dục kỹ năng để vực dậy tinh thần, tạo động lực, tự tin để học trò thường xuyên phát huy năng lực bản thân.

Tìm lại tự tin cho trò

Năm học này, lớp 12A của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu (Nghệ An) có 20 em trên tổng số hơn 40 học sinh quyết định xét tuyển vào đại học. “Ở những ngôi trường khác, việc học sinh tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học là điều bình thường. Nhưng với trung tâm GDTX, con số này có thể gây bất ngờ. Đây là cố gắng của cô và trò, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức, ý thức và quyết tâm của học trò”, cô Văn Thị Vân Anh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A chia sẻ.

Cô Vân Anh có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu và từng ấy thời gian đảm nhận vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp. Theo cô Vân Anh, đặc thù học sinh của trung tâm là đầu vào thấp, không thi đỗ vào các trường THPT công lập trên địa bàn. Vì vậy, khi nhập học, các em còn mơ hồ trong định hướng, mục tiêu học tập, nghề nghiệp.

Nhiều em không được gia đình quan tâm nên có tư tưởng chống đối, chán nản, không muốn cố gắng. Nếu để tình trạng này kéo dài suốt 3 năm học ở trung tâm sẽ dẫn đến nguy cơ học sinh sa sút trong học tập, thiếu và yếu kỹ năng cần thiết, không nỗ lực rèn luyện, trang bị thêm kỹ năng cần thiết cho bản thân.

Chính vì vậy, bên cạnh dạy học, cô Vân Anh thường xuyên quan tâm đến hoàn cảnh từng học sinh, khích lệ thế mạnh, ưu điểm. Từ đó, giúp các em từng bước tự tin hơn vào bản thân, có kế hoạch trong học tập, rèn luyện.

Cao Trần Duy Oanh từng là nam sinh có thành tích học tập “lên xuống thất thường”, nhiều bài kiểm tra trên lớp, em chỉ đạt điểm dưới trung bình. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, cô Vân Anh phát hiện Duy Oanh có tố chất, sinh ra trong gia đình truyền thống hiếu học. Năm vào lớp 10, em thi trượt trường THPT công lập tốp đầu trên địa bàn vì thiếu 0,4 điểm. Cú sốc này khiến nam sinh đành chấp nhận vào học trung tâm GDTX trong tâm trạng chán nản, mất mục tiêu học tập.

Cô Vân Anh đã thường xuyên động viên, khích lệ Oanh và các bạn trong lớp rằng việc tiếp tục học ở trung tâm GDTX không phải điều xấu hổ hay thất bại, mà chỉ là thay đổi nơi xuất phát. Ở trung tâm, các em vẫn có sự quan tâm của thầy cô giáo, môi trường học tập, rèn luyện đầy đủ. Sau hơn 1 năm, đến lớp 11, Oanh tâm sự với cô giáo muốn thi vào Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp và quyết tâm học để “làm lại từ đầu”.

Duy Oanh cũng chủ động tham gia các phong trào, hoạt động của trung tâm. “Em nhận ra quan trọng không phải học trường gì mà mình đã học được gì từ ngôi trường đang theo học. Thời gian chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều, em sẽ nỗ lực, chăm chỉ để đạt nguyện vọng của mình”, Duy Oanh nói.

Theo cô Vân Anh, lớp học có hơn 40 học sinh, mỗi em một cá tính, hoàn cảnh, ưu nhược điểm riêng. “Quá trình đồng hành với học trò, tôi phải hiểu từng hoàn cảnh, lắng nghe mỗi lúc các em gặp khó khăn trở ngại. Từ đó chia sẻ và tư vấn, hỗ trợ các em trong định hướng tương lai, nhất là ở năm lớp 12 quan trọng. Đến nay, ngoài 20 em xác định vào đại học, các em còn lại đã có mục tiêu học nghề hoặc học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động. Học sinh có ý thức, chí tiến thủ đã là món quà, thành công lớn với cô thầy”, cô Vân Anh tâm sự.

Bà Võ Thị Hằng - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu cho biết, học sinh của trung tâm sẽ song song học văn hóa và nghề. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các em chỉ phát triển theo hướng học nghề, mà hoàn toàn có cơ hội, khả năng vào đại học. Cùng với dạy học văn hóa, dạy nghề, trung tâm tích cực triển khai các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng, tư vấn định hướng nghề nghiệp… để đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo phát huy toàn diện năng lực người học.

giup-hoc-tro-tim-lai-chinh-minh-3.jpg
Thầy Xồng Bá Chùa trong tiết Giáo dục phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho học sinh. Ảnh: NVCC

Giữ chân học sinh dân tộc thiểu số

Cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, nhưng với thầy Xồng Bá Chùa - Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn thì việc giữ nguyên sĩ số học sinh từ khi nhập học đến thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ vất vả.

Thầy Xồng Bá Chùa là giáo viên người bản địa, dân tộc Mông. Mới công tác ở trung tâm 6 năm, nhưng thầy có sự thấu hiểu hoàn cảnh, đặc điểm học sinh cũng như những khó khăn, nguy cơ mà các em gặp phải.

Theo thầy Chùa, học sinh trong lớp thuộc dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú và hầu hết thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Từ bản làng ra trung tâm học tập, các em yếu về kiến thức, thiếu kỹ năng, rụt rè trong giao tiếp cơ bản. Điều kiện gia đình khó khăn, cộng với tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số, khiến tình trạng học sinh bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, đi làm sớm vẫn xảy ra. Vì vậy, thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải sát sao, quan tâm từng chút một, như gia đình thứ 2 để đồng hành, giữ chân học sinh.

Trước khi dạy kiến thức, thầy Xồng Bá Chùa phải bồi đắp kỹ năng cho học sinh, từ giao tiếp, chào hỏi, sinh hoạt bán trú. Cùng đó, nhận thức về nghề nghiệp của các em hạn chế, nên việc lựa chọn học nghề gì cũng do thầy cô tư vấn, định hướng. “Trung tâm hiện đào tạo 4 nghề cơ bản: Hàn, điện, may mặc, thú y. Chúng tôi giải thích chi tiết về chương trình đào tạo, học xong sẽ làm việc gì, ở đâu để các em suy nghĩ, quyết định”, thầy Xồng Bá Chùa thông tin.

giup-hoc-tro-tim-lai-chinh-minh-2.jpg
Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu, Nghệ An tham gia thuyết trình về nhu cầu nhân lực lao động nữ. Ảnh: Hồ Lài

Bên cạnh vai trò giáo viên chủ nhiệm, 3 năm qua, thầy Xồng Bá Chùa là Bí thư Đoàn trường và khởi xướng nhiều hoạt động, phong trào thi đua sôi nổi. Các hoạt động có chủ đề rõ ràng như: Giáo dục pháp luật, an toàn giao thông; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; hướng nghiệp; phòng chống bạo lực học đường; giáo dục truyền thống… Qua hoạt động phong phú trên đã phát triển kỹ năng, góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống… cho học sinh.

“Sau 3 năm học, chúng tôi nhận thấy học sinh thay đổi nhiều, mạnh dạn giao tiếp, khả năng tiếng Việt tốt lên. Được chăm sóc trong môi trường nội trú, thể chất các em cũng phát triển cao lớn hơn, không thấp bé như lúc mới vào lớp 10”, thầy Xồng Bá Chùa phấn khởi nói.

Năm học 2024 - 2025, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn có 8 lớp với 360 học sinh. Tất cả học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề. Trong đó, trung tâm liên kết với Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghệ An (đóng tại huyện Con Cuông, Nghệ An) để đào tạo nghề cho học sinh. Sau 2 năm, các em sẽ có bằng trung cấp nghề và tiếp tục học thêm 1 năm văn hóa để thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm thừa nhận thực tế mặt bằng năng lực các môn văn hóa của học sinh rất thấp. Trung tâm không thể đặt mục tiêu cao ở chất lượng dạy học, mà tập trung trang bị, củng cố kiến thức cơ bản để các em tốt nghiệp THPT. Mục tiêu sau khi tốt nghiệp và rời trung tâm, các em có hành trang thiết yếu, cơ bản để lao động, làm việc ngoài xã hội”, ông Lê Văn Hoa - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Kỳ Sơn chia sẻ.

Cùng với bồi dưỡng kỹ năng sống, Trung tâm GDNN-GDTX Kỳ Sơn còn liên kết với các doanh nghiệp, công ty để giới thiệu việc làm cho học sinh. Với những em có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sẽ được dạy học ngoại ngữ miễn phí…

Theo ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Kỳ Sơn, chương trình dạy nghề trung cấp trong 2 năm học là hoàn thành. Quá trình học nghề, các em được hỗ trợ 1 tháng lương cơ bản mỗi tháng. Chế độ này sẽ cắt khi kết thúc khóa học nghề, trong khi các em còn 1 năm nữa mới hoàn thành chương trình THPT. Vậy nên, một số em hoàn cảnh khó khăn dễ có nguy cơ nghỉ học để đi làm sớm.

Trung tâm giao cho giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tâm lý, động viên học sinh, trao đổi với gia đình cố gắng tạo điều kiện để con em học hết THPT, không bắt nghỉ học đi làm kiếm tiền. Thực tế, chế độ hỗ trợ thường cấp theo kỳ học, 2 năm học nghề các em được nhận khoảng 40 triệu đồng. Nếu chi tiêu tiết kiệm, cùng với được miễn phí chỗ ở ký túc xá, các em vẫn có thể đủ sinh hoạt cả 3 năm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giup-hoc-tro-tim-lai-chinh-minh-post726350.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giup-hoc-tro-tim-lai-chinh-minh-post726350.html
Bài liên quan
'Biến rác thành tiền' giúp học trò nghèo
Nhiều trường học ở Cà Mau triển khai mô hình “Chuyến xe kế hoạch nhỏ”, thu gom vỏ lon, chai nhựa, giấy vụn… theo định kỳ hằng tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giúp học trò 'tìm lại chính mình'