Theo ông Trần Thế Cương- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP là rất thiết thực, góp phần ổn định đội ngũ giáo viên, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm cho các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập; đồng thời giúp phụ huynh yên tâm lao động, góp phần để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an sinh xã hội.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập phải đóng cửa, nay hoạt động trở lại gặp nhiều khó khăn, trong đó thiệt thòi, vất vả nhất là giáo viên. Đồng hành, chia sẻ, không để nhà giáo nào bị bỏ lại phía sau là tinh thần của ngành giáo dục Thủ đô, với nhiều giải pháp giúp nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết: Theo khảo sát, 60-70% giáo viên mầm non có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều người chỉ có mức hơn 3 triệu đồng/ người/tháng. Đến nay, hầu hết các cơ sở mầm non đã mở cửa trở lại, song số trẻ đến trường chưa ổn định, nhiều cơ sở còn nợ tiền nhà, học phí lại không thể tăng, nên đời sống của giáo viên chưa thể cải thiện. Do đó, việc hỗ trợ cho các giáo viên ngoài công lập là rất cần thiết.
Cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, nay Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mầm non, tiểu học ngoài công lập, đây là điều rất có ý nghĩa. Nghị quyết số 103/NQ-CP giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập tin tưởng, trong khó khăn, luôn có Đảng, Nhà nước đồng hành.
Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy chia sẻ: Là địa bàn có quy mô giáo dục lớn, đáng chú ý là số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập nhiều hơn công lập, trong 2 năm qua, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung, giáo viên ngoài công lập nói riêng được quận Cầu Giấy đặc biệt quan tâm.
Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 1.600 cán bộ, giáo viên, nhân viên được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra, quận còn hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 80 chủ nhóm lớp mầm non độc lập tư thục. Quận còn chú trọng việc tạo bình đẳng trong hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cũng như triển khai, đánh giá chất lượng giáo dục, không phân biệt giáo viên công lập và ngoài công lập.
Còn ông Phạm Gia Hữu- Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho biết, đã có hơn 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên, được hỗ trợ để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Cùng với đó, rà soát, xác định có 800 trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Bên cạnh việc triển khai các chính sách của Nhà nước, thành phố, từ đầu năm học đến nay, các quận, huyện, thị xã và các trường học đều có biện pháp hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất, giúp giáo viên yên tâm với công việc. Sở GD&ĐT Hà Nội đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù để bảo đảm đời sống cho đội ngũ giáo viên, giải quyết dần tình trạng giáo viên nghỉ việc.