Thầy Lê Đắc Tường, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn ở vùng quê nghèo của thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế). Dù chặng đường đến trường gập ghềnh nhưng bằng ý chí vượt khó, say mê nghề giáo, cậu học trò nghèo ngày nào đã trở thành nhà giáo tiêu biểu, nhiệt huyết với nghề và say mê nghiên cứu khoa học.
Ngược dòng thời gian về hàng chục năm trước, khi vừa học xong lớp 9, cuộc sống khó khăn nên nhiều lần cậu bé Tường có suy nghĩ dừng việc học để cha mẹ đỡ vất vả. Ở cái tuổi 15, Tường đặt mục tiêu cho bản thân nếu không đậu vào Trường PTTH Hai Bà Trưng (TP.Huế) thì sẽ dừng việc học để phụ giúp cha mẹ. Đây là một trong những ngôi trường khá nổi tiếng ở miền Trung thời bấy giờ nên việc thi đậu là chuyện không dễ dàng. Không phụ sự mong mỏi của những người thân yêu cậu bé Tường đã cố gắng tự ôn tập và thi đậu ngôi trường mong ước.
Suốt 3 năm học cấp 3, cậu học trò được thầy, cô giáo quan tâm, hỗ trợ từng bộ quần áo, sách vở. Nhìn hình ảnh người thầy đứng trên bục giảng với lối sống giản dị, thanh cao và hết lòng vì học trò nên Tường quyết tâm thi vào ngành Sư phạm. Kết thúc năm học 12, cậu học trò Lê Đắc Tường trở thành thủ khoa Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Huế. Trải qua 4 năm học tập, năm 1996 tốt nghiệp ra trường, Tường chọn Kon Tum là điểm đến để có thể trải nghiệm, khám phá vùng đất mới.
Những ngày đầu khi nhận nhiệm vụ giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, vùng đất mới với thầy Tường vẫn còn nhiều hoang sơ. Thay vì lạ lẫm, thầy Tường chủ động khám phá, tìm hiểu về văn hoá và con người nơi đây. Đến năm 1998, thầy Tường tiếp tục đi học Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận văn học rồi trở thành Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm khoa Xã hội, Trường CĐSP Kon Tum.
“Tôi rất vui và hạnh phúc khi có thể hỗ trợ, góp phần đào tạo nên các thế hệ giáo viên Mầm non, Tiểu học và THCS cho tỉnh Kon Tum”, thầy Tường bộc bạch.
Thầy Tường tham gia nấu ăn cho các em nhỏ mồ côi, bất hạnh. |
Năm 2005-2013, thầy Tường được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng, sau đó là Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum. Tại đây, thầy thường xuyên tham mưu những vấn đề lớn của ngành, đặc biệt là quan tâm, chăm lo cho đời sống giáo viên vùng khó. Sau 8 năm công tác tại Sở GD&ĐT, thầy Tường học lên Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận văn học và giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Duy Tân. Từ năm 2020 đến nay, thầy là Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum.
Về trường THCS và THPT Liên Việt Kon Tum, thầy Tường tập trung ổn định trường lớp, kiện toàn tổ chức Đảng, tổ chuyên môn và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục để đáp ứng yêu cầu của một ngôi trường chất lượng cao. Thầy cùng giáo viên cải tạo cảnh quan và làm cho ngôi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp.
Mong muốn chia sẻ, đồng hành với các em vùng khó, trẻ mồ côi, qua đó giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thầy Tường cùng nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều các hoạt động trải nghiệm gắn với thiện nguyện.
“Đây là hoạt động liên tục, hết sức ý nghĩa và mang tính đặc thù của trường Liên Việt”, thầy Tường chia sẻ.
Sau hơn ba năm thành lập, đến nay, trường không ngừng phát triển và đã trở thành một trong những điểm sáng của ngành giáo dục Kon Tum.
“Để trường ngày càng hoàn thiện, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, tôi không quản lý bằng mệnh lệnh mà bằng hành động, sự sẻ chia. Với tôi, CBQL, giáo viên và học sinh là một gia đình, tập thể biết học hỏi, luôn yêu quý và giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày”, thầy Tường nói.
Để thấu hiểu hơn hoàn cảnh học sinh, giáo viên, mỗi sáng thầy Tường đến sớm hơn để quan sát, ân cần quan tâm học sinh, phụ huynh. Đồng thời chung tay tham gia các hoạt động giáo dục, tập thể của trường.
Thầy Lê Đắc Tường đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác GD&ĐT. |
Không chỉ yêu nghề, tâm huyết với nghề, Tiến sĩ Lê Đắc Tường còn là người say mê nghiên cứu khoa học. Đến nay thầy đã tham gia 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, thành viên biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum, tham gia nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế và đã có 22 bài báo chuyên ngành được công bố.
Thầy Tường cho biết, chính tinh thần tự học đã giúp thầy hoàn thành luận án Tiến sĩ và có nhiều công trình khoa học. Nghiên cứu của thầy Tường khá đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực như: Lý luận văn học cổ điển Việt Nam với loạt bài: “Vô ngôn trong quan niệm văn học cổ điển các nước Đông Á” (Tạp chí Nghiên cứu văn học), “Giao lưu văn hoá tư tưởng Trung Quốc và Việt Nam qua một số phạm trù mỹ học Thiền Lão”…
Nghiên cứu về giáo dục, như: “Nghiên cứu các khuynh hướng lý luận phê bình văn học trung đại, khuyến nghị một số vấn đề trong chương trình Ngữ văn THPT mới” (Hội thảo khoa học quốc gia: Ứng dụng những thành tựu nghiên cứu mới của ngôn ngữ học và văn học trong giảng dạy ngữ văn), “Trường học thông minh với Chương trình GDPT năm 2018”…
Nghiên cứu về Kon Tum với các bài: “Sắc tứ Bác Ái tự - nơi lưu giữ nguồn tư liệu Hán Nôm độc đáo ở cực Bắc Tây Nguyên” (Kỷ yếu Nghiên cứu Hán Nôm), “Kon Tum kỳ thú và bí ẩn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX qua Kon Tum tỉnh chí và Thạch Xuyên thi tập của Võ Chuẩn”…
Với sự cống hiến và say mê nghiên cứu khoa học, năm 2021, thầy Lê Đắc Tường đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác GD&ĐT, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.