Đồng hành cùng nhà trường
Theo cô Ngô Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), bất cứ trẻ nào khi đến tuổi đi học mầm non đều e dè, sợ hãi, mặc dù ở nhà rất hoạt bát, năng động. Vì vậy trước ngày đầu tiên đến lớp, trẻ cần ngủ đủ giấc để có đủ năng lượng và giảm căng thẳng. Bố mẹ nên cho trẻ dậy sớm, không phải vội vã trong ngày đầu tới trường. Khi trẻ cảm nhận được sự an tâm, điềm tĩnh của bố mẹ sẽ tự tin bước vào hành trình mới này.
Vị hiệu trưởng này nói thêm: “Hãy để bé chọn một đồ vật thân quen mang theo mình trong những ngày đầu tiên tới trường (thú bông, đồ chơi mềm, chăn/gối yêu thích, cuốn sách, tấm ảnh gia đình…). Hãy tạo cho trẻ tâm lý thật thoải mái, tuyệt đối không ép buộc hay dọa nạt, luôn động viên, khen ngợi trẻ nhiều hơn bình thường”.
Theo chia sẻ của ThS.Bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung (Bệnh viện Nhi Trung ương), hai năm đại dịch, các trường mầm non phải đóng cửa kéo dài, trẻ em trong độ tuổi mầm non không được đến trường, do vậy nhiều thói quen sinh hoạt ở, trường lớp của trẻ bị thay đổi.
Thời gian nghỉ cách ly kéo dài đã ảnh hưởng tương tác xã hội cũng như quá trình phát triển ngôn ngữ khiến trẻ ít nói, ít chia sẻ, thu mình… Đồng thời, khai trường rơi vào giai đoạn thời tiết giao mùa khiến trẻ dễ ốm hơn dẫn đến sút cân do thay đổi thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng.
“Nếu con đi học thời gian dài nhưng vẫn không nói chuyện, la hét kích động nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn. Cha mẹ không đánh mắng, chỉ trích trẻ”, bác sĩ Nhung nhấn mạnh và lưu ý thêm, trẻ sống trong môi trường tập thể dễ bị lây các bệnh theo mùa như chân tay miệng, thuỷ đậu hay cúm sốt phát ban... Do đó, trước năm học, phụ huynh có thể đưa trẻ đi kiểm tra sức khoẻ tổng thể để biết tình trạng sức khoẻ, trao đổi với giáo viên để có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Theo bác sĩ Nhung để tạo hứng thú đến lớp cho trẻ, phụ huynh nên dành thời gian chia sẻ, động viên, giải thích cho con hiểu khi đi học không có bố mẹ và ông bà bên cạnh; dạy trẻ biết đưa ra những yêu cầu khi cần trợ giúp với giáo viên; biết tự phục vụ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ để hạn chế bệnh lây nhiễm.
“Khi trẻ mầm non đến trường rất cần sự phối kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh, giữa phụ huynh và cô giáo. Nếu trẻ đi học biếng ăn do thực đơn ở trường không hợp với khẩu vị, bố mẹ có thể điều chỉnh dần dần thực đơn bữa ăn nhà dựa theo thực đơn ở trường để bé làm quen, thích nghi”, cô Ngô Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai nói.