Trước thềm năm học 2022-2023, tổ chuyên môn Trường mầm non 19 Tháng 5 (quận 12) sẽ sưu tầm những nguyên vật liệu, đồ dùng phù hợp để xây dựng “Góc hướng nghiệp”, bao gồm nhiều trạm nghề như: cơ khí, tiệm may đo, sân khấu trình diễn thời trang, salon tóc, nail và spa, thiết kế thời trang… Hằng ngày, các con được các cô giáo cho luân phiên hoạt động tại địa điểm này. Mỗi trẻ sẽ được “đóng vai” thợ cơ khí, thợ mộc, nhà thiết kế thời trang, người mẫu, thợ làm tóc, thợ làm Nail…
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Từ Tâm, Hiệu trưởng trường mầm non 19 Tháng 5, hoạt động giúp trẻ nhận biết về nghề nghiệp là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch giáo dục thường niên của trường. Thực tế bất cứ ngành nghề nào đều có thể trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống. Không chỉ là các ngành nghề quen thuộc như giáo viên, bác sĩ, công an, phụ huynh, ngay cả công việc làm nội trợ phụ huynh cũng có thể dạy trẻ chế biến món ăn, dọn dẹp nhà cửa, trao cho các con kỹ năng, gắn kết tình cảm gia đình.
Giờ trải nghiệm về về nghiệp của trưởng Trường mầm non 19 Tháng 5. |
Tại Trường mầm non 19 Tháng 5, ngoài sự hướng dẫn của giáo viên thì nhà trường còn phối hợp cùng phụ huynh hướng dẫn cho trẻ biết nghề nghiệp của người thân trong gia đình. Từ đó giúp trẻ hiểu rõ thêm về các nghề nghiệp từ chính người thân sau đó trong giờ học chia sẻ với các bạn trong lớp về nghề nghiệp của ba mẹ, ông bà. Từ đó giúp trẻ hiểu biết về các ngành nghề trong xã hội và quan trọng là tạo sợi dây liên kết bền chặt giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ.
“Hoạt động giúp trẻ nhận biết về nghề nghiệp nằm trong kế hoạch giáo dục của trẻ, tổ chức theo chủ đề thường sẽ vào tháng 11, cùng đề tài nhưng ở mỗi độ tuổi sẽ có mục đích yêu cầu khác nhau. Giáo viên lên kế hoạch, chọn đề tài (nghề nghiệp) sau đó tổ chức hoạt động.
Cụ thể với trẻ ở độ tuổi 3-4 tuổi sẽ kể tên và nói được sản phẩm của nghề nông, nghề xây dựng khi được hỏi, xem tranh. Trẻ 4-5 tuổi sẽ kể tên, công việc, công cụ, sản phẩm, lợi ích, của một số nghề khi được hỏi, trò chuyện. Còn trẻ 5-6 tuổi có thể nói đặc điểm và sự khác nhau của một số nghề, ví dụ như nghề nông làm ra lúa gạo, nghề xây dựng xây nên những ngôi nhà,…”, cô Tâm cho hay.
Cũng theo chia sẻ của cô Tâm, thông qua từng hoạt động, các con không chỉ được tìm hiểu về những nghề nghiệp trong xã hội mà còn được thỏa sức sáng tạo, tưởng tượng. Trẻ sẽ có cái nhìn ban đầu về mỗi nghề, từ đó các con sẽ định hướng sở thích, đam mê của mình ở từng ngành nghề. Đặc biệt, khi đã có cái nhìn về nghề nghiệp, trẻ sẽ không có sự phân biệt ngành nghề, từ đó hình thành trong trẻ nhân cách đẹp.